Tốc độ tăng trưởng GDP - thước đo sắp lỗi thời tại Canada?

Ý kiến về một cuộc sống tốt đẹp có thể không song hành cùng xu hướng tăng trưởng kinh tế cho thấy nhiều người Canada sẵn lòng ủng hộ các chỉ số mới về sự tiến bộ, tách khỏi tăng trưởng về GDP.
Một nhà máy sản xuất ôtô ở Canada.(Nguồn: Canadian Press)

Hồi năm 1968, ông Robert F. Kennedy, ở thời điểm đó là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đã có bài phát biểu nổi tiếng về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó đánh giá GDP đo lường được mọi thứ, nhưng lại không khiến cuộc sống trở nên giá trị hơn.

Mặc dù một số học giả cũng đã đề cập đến những hạn chế của GDP trong vai trò của một thước đo về cuộc sống tốt đẹp-thịnh vượng của nhân loại, nhưng hầu hết các nước và các chính trị gia vẫn gắn tăng trưởng GDP như một chỉ số hàng đầu của sự tiến bộ.

Dường như đang có sự thay đổi trong nhận thức về GDP tại Canada. Những thông tin mới đây cho thấy Chính phủ Canada đang cân nhắc “trình làng” một ngân sách tập trung vào các chỉ số mới thể hiện sự tiến bộ, chẳng hạn như chỉ số hạnh phúc và chỉ số hài lòng về cuộc sống.

Nếu chính phủ đảng Tự do chú trọng các chỉ số mới này, đây sẽ là cột mốc ghi dấu sự các biệt với các kế hoạch ngân sách trước đó, vốn tập trung nhiều vào các thước đo kinh tế truyền thống như tốc độ tăng trưởng GDP để thể hiện sự phát triển của Canada.

Thước đo GDP được sử dụng từ những năm 1940, phản ánh quy mô của một nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia theo đuổi tốc độ tăng trưởng GDP như một chỉ tiêu chính sách hàng đầu vì nó thường được đánh đồng với tiến bộ xã hội và sự thịnh vượng. Một số chuyên gia lâu nay đã chỉ trích việc các chính phủ "đóng đinh" vào tăng trưởng kinh tế và đã đề xuất sử dụng các chỉ số thay thế để phản ánh tốt hơn tiến bộ của xã hội.

Các nước cho đến nay vẫn không hào hứng sử dụng các chỉ số mới, một phần vì các chỉ số này được đánh giá một cách “chủ quan” và khó để định lượng. Tuy nhiên, các chỉ số mới thể hiện sự tiến bộ đã được đề xuất tại một số nước như New Zealand, Phần Lan và Bhutan. Ngay cả sáng kiến "Beyond GDP" của Ủy ban châu Âu cũng đang khảo sát các chỉ số chú trọng nhiều hơn đến nhân tố môi trường và xã hội.

[Chuyên gia cảnh báo nguy cơ kinh tế Canada suy thoái trong năm 2020]

Trong khi Chính phủ Canada có ý tưởng về định hướng này, thì quan điểm của người dân có ủng hộ sự đổi mới của Ottawa? Kết quả của một nghiên cứu cho thấy gần 43% những người tham khảo sát có thể sẽ ủng hộ một chính trị gia không theo đuổi tăng trưởng kinh tế như một mục tiêu chính sách chủ chốt.

Đáng chú ý, 53% đồng ý rằng một cuộc sống tốt đẹp có thể không song hành cùng xu hướng tăng trưởng kinh tế liên tục. Những con số này cho thấy nhiều người Canada có cái nhìn cởi mở và sẵn lòng ủng hộ các chỉ số mới về sự tiến bộ, tách khỏi tăng trưởng về GDP.

Đặc biệt, 56% số người tham gia khảo sát cho rằng Canada không nên tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nếu điều này để lại hậu quả tiêu cực như ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu này khảo sát qua mạng Internet hơn 1.000 người Canada thuộc nhiều độ tuổi, có mức thu nhập và quan điểm chính trị khác nhau.

Kết quả các cuộc khảo sát trước đó cũng cho thấy 60-88% người dân Canada ưu tiên bảo vệ môi trường, ngay cả khi việc này có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy người Canada coi trọng các chỉ tiêu không thuộc nhóm kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một trầm trọng hơn, tình trạng mất đa dạng sinh học và bất bình đẳng ngày càng lan rộng, thế giới cần đặt dấu hỏi về việc liệu tăng trưởng GDP không hạn định có đem lại sự thịnh vượng thực sự và bền vững hay không.

Đồng tiền mệnh giá 20 đôla Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời gian qua, Chính phủ Canada đã tập trung hỗ trợ cuộc sống của nhiều hộ gia đình “dễ thở” hơn thông qua việc cắt giảm thuế, kiến tạo thêm việc làm, đảm bảo “chia đều” cơ hội thành công cho mỗi người dân.

Các sáng kiến của Chính phủ đã giúp hơn 1 triệu dân thoát nghèo kể từ năm 2015 đến nay, trong số này có 334.000 trẻ em và 73.000 người cao tuổi. Kết quả điều tra thu nhập của người Canada mới được công bố cho thấy, tỷ lệ người nghèo tại nước này tiếp tục xu hướng giảm.

Tính trên toàn Canada, trong thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019, gần 3,7 triệu hộ gia đình đã nhận được 24 tỷ CAD (17,57 tỷ USD) tiền Phúc lợi Trẻ em Canada.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định Chính phủ còn nhiều việc phải làm cho người dân Canada và “chúng tôi sẽ tiếp tục hành động” để người dân có được cơ hội thực sự và công bằng trên con đường đi đến thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục