Tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ giảm mạnh

Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, so với mức dự báo 5,5% được ADB đưa ra vào tháng 9/2019.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo "Triển vọng phát triển của châu Á" công bố ngày 3/4 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực này trong năm 2020 sẽ giảm mạnh do những tác động của dịch viêm đường hô hấp COVID-19, trước khi phục hồi vào năm 2021.

Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, so với mức dự báo 5,5% được ADB đưa ra vào tháng 9/2019.

Theo báo cáo của ADB, tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi lên mức 6,2% vào năm tới, với giả định dịch bệnh sẽ được kiểm soát và các hoạt động trở lại bình thường.

[ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á]

Trừ các nền kinh tế công nghiệp hóa mới là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), báo cáo của ADB dự báo mức tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á chỉ đạt 2,4% trong năm 2020, so với mức tăng 5,7% trong năm 2019, trước khi phục hồi ở mức 6,7% vào năm 2021.

Theo nhà kinh tế trưởng của ADB, Yasuyuki Sawada, diễn biến của dịch bệnh đã khiến triển vọng kinh tế của khu vực và toàn cầu trở nên bất trắc, với tốc độ tăng trưởng có thể sụt giảm và đà phục hồi chậm hơn so với các dự báo hiện nay.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực giảm mạnh chủ yếu là do môi trường bên ngoài xấu đi, với tăng trưởng trì trệ hoặc rơi vào vùng âm ở các nước nền kinh tế lớn như Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản.

Một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dầu mỏ như các nước ở Trung Á sẽ chịu tác động mạnh khi giá hàng hóa giảm mạnh.

Báo cáo nhận định tất cả các khu vực ở châu Á sẽ suy giảm tăng trưởng trong năm nay, do nhu cầu toàn cầu yếu, và ở một số nền kinh tế là do các chính sách kiểm soát dịch bệnh ở trong nước.

Các khu vực có nền kinh tế mở hơn như Đông và Đông Nam Á, hay nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Thái Bình Dương, sẽ chịu tác động mạnh. Hoạt động kinh tế ở khu vực Thái Bình Dương được dự báo giảm 0,3% trong năm nay, trước khi tăng 2,7% vào năm tới.

Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4% trong tài khoá 2020 (kết thúc ngày 31/3/2021), do môi trường toàn cầu không thuận lợi và những nỗ lực kiểm soát dịch ở nước này.

Dự báo trên được đưa ra với giả định dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi và các hoạt động kinh tế được khôi phục hoàn toàn vào quý 2 của tài khóa 2020. Trong tài khóa 2021, kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 6,2%, nhờ những cải cách mà chính phủ thực hiện.

Báo cáo cũng cập nhật đánh giá tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và các lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo báo cáo của ADB, thiệt hại trên toàn cầu do dịch bệnh có thể vào khoảng 2.000-4.100 tỷ USD, tương đương khoảng 2,3-4,8% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng việc tăng cường đổi mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương nhanh hơn và bao trùm hơn.

Theo ông Sawada, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã đầu tư 2,1% GDP cho nghiên cứu và phát triển, nhưng mức đầu tư khác nhau ở mỗi nước.

Báo cáo cho biết trong năm thập kỷ qua, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm lớn của toàn cầu về đổi mới và tri thức, với tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong tổng mức đầu tư toàn cầu tăng từ 22% vào năm 1966 lên 40% vào năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục