Tốc độ phục hồi không đồng đều trong ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ

Giãn cách xã hội, du lịch quốc tế đình trệ, các cửa hàng đóng cửa đã giáng một đòn rất mạnh vào ngành sản xuất đồng hồ. Đây là ngành công nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng ở nước ngoài.
Tốc độ phục hồi không đồng đều trong ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc, ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đang phục hồi sau khi hứng chịu một trong những cú sốc kinh tế lớn nhất vào năm 2020.

Nhưng cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ.

Tình trạng giãn cách xã hội, du lịch quốc tế đình trệ, các cửa hàng đóng cửa đã giáng một đòn rất mạnh vào ngành sản xuất đồng hồ. Đây là một ngành công nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Lĩnh vực đầu tàu của ngành công nghiệp Thụy Sĩ, với gần 95% sản phẩm được xuất ra nước ngoài này, đã chứng kiến xuất khẩu đồng hồ giảm 22% trong năm 2020, tương đương với cuộc suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

[5 cách thức chính giúp ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ phát triển]

Nhưng kể từ đầu năm, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đã dần đứng vững trở lại. Từ tháng 1-9/2021, giá trị xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ đã vượt 1% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Trung Quốc và Mỹ, mỗi nước chiếm 2,2 tỷ CHF (2,3 tỷ USD) xuất khẩu, là động lực của sự phục hồi, trong khi các thị trường chính của châu Âu vẫn chưa lấy lại được mức trước đại dịch.

Jules Boudrand, Giám đốc bộ phận đồng hồ của công ty tư vấn Deloitte, cho biết: “Trước đại dịch, người tiêu dùng Trung Quốc đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong nhu cầu toàn cầu đối với mặt hàng xa xỉ mà họ thường mua khi đi du lịch ở châu Á, châu Âu và Mỹ.

"Chính phủ Trung Quốc sau đó bắt đầu áp dụng các biện pháp khuyến khích về thuế để tiêu thụ hàng xa xỉ, và với các hạn chế đi lại, đại dịch đã có tác dụng củng cố thêm xu hướng này.”

Ngành đồng hồ "hai tốc độ"

Tuy nhiên, sự phục hồi vững chắc được thể hiện trong thời gian qua không che giấu sự chênh lệch đáng kể trong ngành. Mức gia tăng xuất khẩu chủ yếu liên quan đến phân khúc cao cấp, cụ thể là những chiếc đồng hồ được bán với giá hơn 7.500 CHF mỗi chiếc.

Năm 2020, phân khúc này chiếm gần 70% xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ, một xu hướng sẽ tiếp tục theo đánh giá của giới chuyên gia.

Các nhà phân tích cũng nhận thấy sự tập trung ngày càng tăng của một số thương hiệu, những thương hiệu chiếm phần lớn sự tăng trưởng của ngành.

Theo phân tích của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley và cơ quan tư vấn Thụy Sĩ LuxeConsult, năm 2019, bốn thương hiệu độc lập lớn - Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet và Richard Mille - có doanh thu khoảng 9 tỷ CHF, chiếm 35% tổng thị phần, trong khi thu về gần 55% lợi nhuận toàn ngành.

Giám đốc Boudrand nhận xét: “Cuộc khủng hoảng năm 2020 có tác động củng cố xu hướng này bởi vì người tiêu dùng đang hướng nhiều hơn đến các giá trị an toàn trong thời điểm không chắc chắn này.”

Như một hệ quả tất yếu, các “Big Four” này đã trở thành những món đầu tư được đánh giá cao, giá đồng hồ của bốn hãng này liên tục tăng vọt trên thị trường thứ cấp.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, Geoffrey Hess, chuyên gia chế tác đồng hồ tại nhà đấu giá hàng đầu Phillips, cho biết: “Đồng hồ từ những thương hiệu này là tài sản thanh khoản phổ biến hiện nay. Tất nhiên, tất cả chúng đều được chế tạo tốt và dễ nhận biết. Nhưng các nhà sưu tập có thể thoải mái mua hàng từ những thương hiệu này vì người mua và người bán sẽ coi trọng đồng hồ của họ như một loại tiền tệ được công nhận.”

Trung Quốc vẫn “khát” đồng hồ Thụy Sĩ

Một hiện tượng đặc trưng cho ngành công nghiệp đồng hồ là các công ty đồng hồ độc lập đang hoạt động tốt hơn những công ty thuộc sở hữu của các tập đoàn đồng hồ lớn.

Bốn nhà sản xuất đồng hồ chính - Swatch Group, Richemont, LVMH và Kering - chiếm gần 55% doanh số bán đồng hồ toàn cầu vào năm 2019, nhưng chỉ chiếm 43% lợi nhuận.

Jean-Philippe Bertschy, chuyên gia về đồng hồ tại tập đoàn dịch vụ tài chính Thụy Sĩ Vontobel, cho biết: “Các thương hiệu độc lập luôn giữ tinh thần kinh doanh, họ chấp nhận rủi ro và có mong muốn đổi mới hơn các tập đoàn lớn. Họ cũng có tầm nhìn dài hạn và một nền văn hóa rất mạnh mẽ.”

Tuy nhiên, những “gã khổng lồ” xa xỉ vẫn vai trò quan trọng trên thị trường. Swatch Group, tập đoàn sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ vẫn đang dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc với các thương hiệu Omega và Longines, cũng như Richemont (Cartier) và LVMH (Hublot), có thể dựa vào các đối tác mạnh ở châu Á và do đó có vị trí tốt để đáp ứng nhu cầu lớn của người Trung Quốc.

Olivier Müller, chuyên gia chế tác đồng hồ tại LuxeConsult, cho biết: “Tương lai thuộc về những thương hiệu có danh tiếng mạnh và đủ khả năng đầu tư vào các chiến dịch quảng bá quy mô lớn. Sức nặng của thương hiệu được ưu tiên hơn sản phẩm, một xu hướng được lặp lại ở phần còn lại của thế giới xa xỉ.”

Các thương hiệu nhỏ độc lập, có mặt ở các thị trường ngách (Kari Voutilainen, F.P. Journe, Laurent Ferrier, H. Moser & Cie...) và phục vụ cho các nhà sưu tập giàu có, cũng sẽ tiếp tục hoạt động tốt.

Phân khúc cấp thấp và tầm trung gặp nguy

Nhưng theo phần lớn các chuyên gia trong ngành, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực cấp thấp và tầm trung có triển vọng không mấy sáng sủa.

Chuyên gia Müller cho biết: “Trong số 350 thương hiệu làm việc với nhãn Swiss Made, chúng tôi ước tính rằng 20% hoạt động rất tốt, nhưng 80% bị tổn hại nghiêm trọng."

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại đối với các thương hiệu bán đồng hồ với giá dưới 200 CHF. Ví dụ, sản xuất đồng hồ thạch anh đã giảm hơn 12 triệu chiếc kể từ năm 2011, và hiện tượng này còn được đẩy nhanh hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đồng hồ Swatch, có doanh số liên tục giảm, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh của đồng hồ thông minh và các thương hiệu thời trang nước ngoài (Guess, Puma, Armani...) thu hút nhiều thế hệ trẻ hơn.

Sự phát triển này không phải là không có nguy cơ đối với ngành chế tạo công nghiệp của Thụy Sĩ, và đặc biệt là nhiều công ty thầu phụ phụ thuộc vào sản xuất đồng hồ để tồn tại.

Chuyên gia Jules Boudrand cho biết: “Sau cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh vào đầu những năm 1980, ngành công nghiệp đã được vực dậy bằng cách sản xuất số lượng lớn đồng hồ thạch anh cấp thấp và tầm trung. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phân khúc đồng hồ cơ học và mở ra cánh cửa cho ngành hàng xa xỉ. Tuy nhiên, nếu sự sụt giảm hiện nay tiếp tục, điều này có thể làm suy yếu ngành công nghiệp, dẫn đến mất việc làm, bí quyết, và làm chậm sự đổi mới.”

Cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh là kết quả của một tính toán sai lầm. Từ năm 1970 đến năm 1983, các công ty đồng hồ Thụy Sĩ đã giảm từ 1.600 xuống 600 và số lượng việc làm trong lĩnh vực này giảm từ 90.000 xuống chỉ còn 28.000. Các xưởng nhỏ hơn và các doanh nghiệp do gia đình tự quản chủ yếu đã phải nộp đơn xin phá sản.

Cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh đã làm thay đổi cấu trúc và thị trường trong ngành đồng hồ. Giờ đây, các nhà sản xuất đồng hồ ở Thụy Sĩ cũng nhận ra rằng những thay đổi có thể là cần thiết để thoát khỏi cuộc khủng hoảng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục