Việt Nam sẽ trở thành quốc gia 'siêu già' vào năm 2050

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới

Các quốc gia đang già hóa dân số như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia sẽ trở thành các quốc gia siêu già vào năm 2050. Các quốc gia còn lại đã và đang ở thời kỳ dân số già hoặc già hóa dân số.
Khám bệnh cho người cao tuổi tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Nếu như các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc hàng thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)… thì Việt Nam chỉ mất 20 năm.

[Thích ứng với già hoá dân số: Hỗ trợ sinh kế cho riêng người cao tuổi]

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo quốc tế tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội.

Một loạt quốc gia "siêu già" vào năm 2050

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh nhờ thành tựu của phát triển kinh tế-xã hội và chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ con người ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng gia tăng. Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu có ý nghĩa và tác động lớn nhất trên thế giới hiện nay. Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của già hóa dân số.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011. Số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7,7% dân số, (tức có 7,4 triệu người cao tuổi). Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người (chiếm 20%) dân số.

 

Theo Thứ trưởng Cường, cộng đồng ASEAN có quy mô dân số lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này mang đến những lợi thế nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của ASEAN. ASEAN hiện có hơn 45 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm 7% dân số ASEAN và đang là khu vực già hóa dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% dân số ASEAN.

Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Mỗi quốc gia trên thế giới đều đã và đang chứng kiến sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số.

Các quốc gia đang già hóa dân số như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia sẽ trở thành các quốc gia siêu già vào năm 2050 và các quốc gia còn lại đã và đang ở thời kỳ dân số già hoặc già hóa dân số.

Năm 2020, thế giới có hơn 700 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm 9,1% tổng dân số thế giới. Con số này sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 và vượt ngưỡng 1,5 tỷ người (chiếm 15,5% dân số thế giới).

Số người cao tuổi trong cộng đồng ASEAN là hơn 45 triệu người, chiếm 7% tổng dân số ASEAN năm 2019. Số người cao tuổi của ASEAN sẽ tăng lên 132 triệu người, chiếm 17% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam phải tính đến một mô hình mới

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà phần lớn là do mức sinh giảm.

“Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi,” bà Naomi Kitahara cho hay.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng và nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi, đặc biệt tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi là cao hơn và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 của cộng đồng ASEAN, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết sự chuyển đổi nhân khẩu do già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, mỗi xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Hội thảo là dịp để các nước cùng nhau bàn thảo về việc tăng cường phối hợp liên ngành, sự chung tay của các lĩnh vực tư nhân, các tổ chức, các bên liên quan, tăng cường khả năng hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác trong việc phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi. Thông qua đó hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN già hóa năng động và khỏe mạnh, một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên Đức nói về già hoá dân số:

Theo bà Naomi Kitahara, với chủ đề ASEAN “Gắn kết và đáp ứng,” các đại biểu tham dự đã đưa ra các khuyến nghị về việc thúc đẩy các ứng phó có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng già hóa dân số. Bên cạnh đó là các biện pháp ứng phó dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh cho một cộng đồng ASEAN gắn kết và đáp ứng trong việc thúc đẩy quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh./.

Hội thảo quốc tế tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN do Bộ Y tế tổ chức với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Buổi hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu thuộc 10 quốc gia ASEAN và các đối tác theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, thảo luận về thực trạng và xu hướng già hóa trong khu vực ASEAN, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Các chuyên gia quốc tế đến từ ERIA, UNFPA, WHO và các Quốc Gia thành viên ASEAN đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học về thúc đẩy mạnh già hóa năng động, khỏe mạnh trong cộng đồng các quốc gia ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa các bên hướng đến thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong khu vực

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục