Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 28/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại lễ khai mạc hội nghị:
Thưa toàn thể Quý vị,
Năm 2021 có ý nghĩa thật đặc biệt, đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam gắn bó với Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu. Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao phụ nữ Việt Nam, xin gửi lời chào trân trọng đến Ngài Tổng thống Bồ Đào Nha, Bà Chủ tịch Hội nghị, cùng tất cả Quý vị đại biểu.
Xin chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Bà Chủ tịch Hội nghị, sự tiếp đón chu đáo, thân tình của Ban Tổ chức Hội nghị và nước chủ nhà dành cho Đoàn chúng tôi.
Thưa Quý vị,
Đại dịch COVID-19 gây nên những tổn thất to lớn, làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội. Nhưng chính nghịch cảnh cam go ấy đã phát huy cao độ ý chí kiên cường, tri thức sáng tạo và những phẩm chất tốt đẹp của nhân loại nói chung, đặc biệt là của phụ nữ.
Từ các nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong các quyết sách điều hành phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững ổn định đất nước, cho đến những nhân viên, y bác sĩ, nhà khoa học nơi tuyến đầu chống dịch tận tụy quên mình, dấn thân vào hiểm nguy để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.
Từ những doanh nhân tài ba vững tay chèo lái doanh nghiệp, vượt qua muôn vàn khó khăn sóng gió, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, cho đến những người mẹ, người vợ tần tảo giữ cho từng nếp nhà, gia đình luôn ấm áp tình yêu thương. Và còn rất nhiều những tấm gương phụ nữ bình dị mà rất đỗi phi thường xung quanh chúng ta, tất cả đều đáng được vinh danh, ca ngợi.
[Phó Chủ tịch nước:Phụ nữ cần ở trung tâm nỗ lực phục hồi sau đại dịch]
Thế nhưng, thực trạng đáng buồn là giữa vòng xoáy của dịch bệnh, phụ nữ và trẻ em gái lại là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lo ngại hơn, khi đại dịch qua đi, một bộ phận phụ nữ và trẻ em gái sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn, không chỉ bị tụt hậu về kiến thức, kỹ năng, tái nghèo mà còn phải tiếp tục chống chọi với những rào cản dai dẳng về bất bình đẳng giới trong xã hội.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của dịch COVID-19. Đây là điều mà chúng ta hoàn toàn không mong muốn chứng kiến.
Cùng với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thì đại dịch COVID-19 một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc, thúc giục mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định xã hội, phục hồi và phát triển bền vững.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những "cú sốc" khác trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, phụ nữ không chỉ cùng vươn lên hội nhập, bắt kịp, mà cần mạnh dạn đi đầu, tham gia dẫn dắt những xu hướng phát triển lành mạnh của thời đại.
Trên tinh thần đó, tôi đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này, đó là “Phụ nữ: Chuyển đổi các nền kinh tế trên toàn cầu”, đã nhìn nhận phụ nữ không chỉ là đối tượng bị ảnh hưởng mà còn là tác nhân quan trọng, đi đầu trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế thế giới.
Thưa Quý vị đại biểu,
Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam cũng hình thành và phát triển gắn liền với cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa để tồn tại và vững bền. Trong lịch sử ấy, hình tượng người phụ nữ Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo phong kiến, nhưng luôn đặc sắc, sinh động, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Bình đẳng giới trong chính trị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện nay đạt 30,26%, cao nhất trong vòng 45 năm qua. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%.
Trong xã hội, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất... Trong phòng, chống dịch COVID-19, nhiều phụ nữ đã phát huy vai trò tiêu biểu trên tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện và tăng cường thực thi luật pháp, chính sách bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thực hiện tốt các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cụ thể đã tích cực thực hiện Công ước chống phân biệt đối xử phụ nữ (CEDAW), Tuyên bố Bắc Kinh về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và quyền năng phụ nữ (MDG 3). Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam còn được thể hiện qua hai nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2008-2009 và 2020-2021. Tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan xa xôi, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam với 16% là quân nhân nữ, đang ngày đêm cống hiến cho sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.
Thưa Quý vị đại biểu,
Nhân loại cần một thế giới hòa bình, thịnh vượng, nhân văn và bền vững, là nơi phụ nữ và nam giới đều có cơ hội bình đẳng để phát huy tiềm năng, đóng góp vào tiến trình phát triển.
Hội nghị chúng ta đang diễn ra tại đất nước Bồ Đào Nha tươi đẹp, tôi nhớ đến câu nói của bà Maria, nữ Thủ tướng đầu tiên của Bồ Đào Nha: “Tôi tin tưởng rằng phụ nữ có thể thay đổi xã hội.” Với tinh thần đó, tôi xin nêu một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế, nhất là sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì đây là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi các nền kinh tế.
Thứ hai, phụ nữ cần phải được đặt ở trung tâm của mọi nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19. Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước về lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật; đẩy mạnh hợp tác khu vực công-tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất để bối cảnh dịch bệnh không làm ngắt quãng hay cản trở phụ nữ tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài sản, tài chính, khoa học-công nghệ; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ có đủ năng lực tham gia thị trường lao động, sáng tạo và khởi nghiệp.
Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng số, phát huy vai trò phụ nữ trong quá trình xây dựng nền kinh tế số, tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tôi đề xuất:
Hội nghị xem xét thành lập quỹ hoặc giải thưởng thường niên để tôn vinh: (i) các sáng kiến xuất sắc về bảo đảm đa dạng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp; (ii) các phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp tích cực cho xã hội, phòng chống dịch và bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, mạng lưới phụ nữ trên nhiều lĩnh vực, ở mọi cấp độ. Với mô hình “Phụ nữ trao quyền cho phụ nữ” đầy hiệu quả, thực chất đã gây dựng hơn 30 năm qua, tôi đề nghị chúng ta phát huy hoạt động của mạng lưới các nữ doanh nhân ưu tú, để tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, truyền cảm hứng và giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Tôi mong rằng Hội nghị sẽ là cơ hội tuyệt vời để các đại biểu giao lưu, trao đổi thông tin, kết nối và ươm mầm nhiều ý tưởng, sáng kiến vì tương lai tươi đẹp.
Tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Chúc cho tình hữu nghị và tinh thần đoàn kết của phụ nữ thế giới ngày càng vững mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn./.