Nhận lời mời của Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Giáo sư Klaus Schwab, tối 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam (WEF) lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo.”
Tại đối thoại lần này, Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng với thông điệp chính sách mạnh mẽ khẳng định nỗ lực và quyết tâm Việt Nam về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước.
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng:
Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập WEF,
Thưa Ngài Borge Brende, Chủ tịch điều hành WEF,
Thưa các vị Chủ tịch, Giám đốc điều hành, lãnh đạo các tập đoàn,
Thưa Quý vị,
Tôi rất vui mừng cùng Quý vị tham dự Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ nhất với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công-tư: Động lực then chốt cho phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo.”
Thay mặt Chính phủ Việt Nam và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới Giáo sư Klaus Schwab và Ngài Klaus Schwab cùng toàn thể quý vị lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi chân thành cảm ơn Giáo sư Klaus Schwab và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tổ chức Đối thoại hôm nay cũng như đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường hợp tác vừa qua.
Đối thoại chiến lược hôm nay là sự kiện rất quan trọng trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của tất cả chúng ta, cả chính phủ và doanh nghiệp. Đây còn là thời điểm các bên cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ,” “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” “win-win.”
Thưa Quý vị,
Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn tin tưởng vững chắc vào tương lai tươi sáng ở phía trước. Hành trình hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, vượt qua sóng to gió lớn của nhiều cuộc khủng hoảng của khu vực và thế giới đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý giá. Một trong những bài học đó là biến “nguy” thành “cơ;” lấy khó khăn, thách thức làm động lực và đòn bẩy để đổi mới, trưởng thành và vươn lên, khẳng định bản lĩnh và tầm vóc của mình.
Giai đoạn thử thách hiện nay đặt ra hai vấn đề đối với chúng ta: Làm thế nào để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả COVID-19. Đồng thời, tìm cơ hội trong khó khăn, khủng hoảng để kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng, đón đầu tranh thủ những xu thế lớn của thời đại để phát triển bứt phá. Tôi mong rằng Đối thoại hôm nay sẽ có nhiều ý kiến và khuyến nghị giá trị, giúp chúng ta tìm ra phương hướng và giải pháp cho tiến trình phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm.
Thưa Quý vị,
Trong hai năm qua, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cách tiếp cận toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các nước bạn bè, đối tác và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Việt Nam cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động từng bước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, khôi phục chuỗi sản xuất và cung ứng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi xác định cách tiếp cận toàn dân và lấy người dân và doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là trung tâm, là chủ thể trong ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế-xã hội.
Là nền kinh tế có độ mở lớn với 17 Hiệp định FTA kết nối hơn 60 nước, có thị trường gần 100 triệu dân năng động và hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, hạ tầng, vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh. Với quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với 5 năm trước, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 37 toàn cầu. Chỉ riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư của Việt Nam từ nay đến 2030 là rất lớn, dự kiến khoảng 30 tỷ USD/năm.
Tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nét khởi sắc trong tháng 10 do đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế. Tính chung 10 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới tăng 11,6% và vốn thực hiện đạt trên 15 tỷ USD; xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
So với tháng 9, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng 111%, vốn đăng ký tăng 74%; đặc biệt, tổng cầu phục hồi mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 18%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%. Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm; yếu tố cơ bản là tiềm năng, lợi thế, động lực mới cho phát triển dài hạn và nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là nổi trội, ổn định và vững chắc.
Tôi rất cảm động khi nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tại các cuộc tiếp xúc gần đây. Tôi cũng cảm ơn sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trong nỗ lực phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội của Việt Nam vừa qua.
Thưa Quý vị,
Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt của Việt Nam gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các chương trình về nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm; phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về dài hạn, chúng tôi kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong quá trình đó, chúng tôi cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những trái ngọt thành công của nền kinh tế; với phương châm: thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam.
Với khát vọng và ý chí vươn lên, chúng tôi đang tập trung vào một số định hướng chính sách như sau:
Thứ nhất, tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các khu công nghiệp đang từng bước được phục hồi. Mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều nhà máy hoạt động trở lại, nhiều công nhân quay lại các công xưởng sản xuất, các phương tiện vận tải hành khách được khai thông …
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống. Trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô,
Chính phủ đang triển khai linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa và an sinh xã hội nhằm phát huy mọi nguồn lực cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Mới đây, Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí trong các lĩnh vực chịu tác động của dịch COVID-19, thúc đẩy việc mở lại đường bay quốc tế với các địa điểm an toàn, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới, công nhận hộ chiếu vắc-xin, tạo luồng xanh nhập cảnh thuận tiện cho chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam…
Thứ ba, triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, đang thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… có tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Bên cạnh vai trò quan trọng, dẫn dắt của đầu tư công, chúng tôi kêu gọi các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công-tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thứ tư, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với quan điểm khu vực FDI là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, chúng tôi cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. Chúng tôi mới ban hành quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với những quy định về thời gian, điều kiện áp dụng ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao và có liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới. Chúng tôi đang sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật đầu tư PPP, Luật doanh nghiệp…, theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, hậu kiểm, giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp. Nhằm tạo không gian phát triển cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt” trong thời đại số, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng số, tài chính công nghệ (fintech)…
Thứ sáu và là yếu tố quan trọng nhất, là nguồn nhân lực. Để phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam, là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, sẵn sàng đón nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Song song với đó, chúng tôi cũng thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.
Thưa Quý vị,
Sự ổn định, năng động của kinh tế Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp thực hiện chủ trương phục hồi sản xuất an toàn để đảm bảo đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng. Tôi cũng đề nghị Quý vị phối hợp khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, bao gồm cả các FTA chất lượng cao với các đối tác lớn.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để Quý vị đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội. Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp FDI tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu-phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thưa Quý vị,
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tăng cường đối thoại, phối hợp trong khuôn khổ đối tác công tư để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả doanh nghiệp và người dân. Tôi đề nghị những mô hình như Chương trình đối tác công tư cho nông nghiệp bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới sẽ được nhân rộng sang các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Nhân dịp này, tôi đề nghị đưa Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam (WEF) thành cơ chế thường kỳ giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và chuyên gia của WEF.
Tôi hy vọng rằng đã hiểu về Việt Nam, Quý vị sẽ luôn mang tình cảm Việt Nam trong tim mình, cùng Chính phủ và người dân Việt Nam hiện thực hóa các khát vọng và mục tiêu phát triển chung. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức,” tôi mong muốn và tin tưởng chúng ta cùng nhau hợp tác và sẽ làm được những điều chúng ta!
Sau đây tôi mong lắng nghe ý kiến trao đổi, chia sẻ và đóng góp trí tuệ của Quý vị. Xin chúc Quý vị sức khỏe và thành công. Mong được gặp mặt trực tiếp tất cả Quý vị tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn các Quý vị./.