Toàn văn bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại CSIS

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ đề "ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo, ngày 23/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài nói chuyện với chủ đề "ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước" tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS).

TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài nói chuyện:

Thưa Ngài Philips J.Vermonte, Giám đốc Trung tâm,
Thưa quý vị và các bạn,

Nhân dịp sang thăm chính thức nước Cộng hòa Indonesia, hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ và trao đổi ý kiến với quý vị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia - một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực, là thành viên tích cực của mạng lưới các Viện nghiên cứu quốc tế của ASEAN, có bề dày nghiên cứu chiến lược trong suốt hơn bốn thập niên vừa qua, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài Giám đốc, Ban lãnh đạo Trung tâm và các bạn đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này.

Tôi được biết, kể từ khi thành lập từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu những vấn đề chiến lược hệ trọng của đất nước, của khu vực và thế giới; đề xuất nhiều khuyến nghị về hoạch định chính sách đối ngoại và phát triển của Indonesia cũng như đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết giữa giới học giả và nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tôi xin thông báo với quý vị: Trong chuyến thăm Indonesia lần này, tôi đã cùng Ngài Tổng thống Joko Widodo và các vị lãnh đạo Indonesia trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước, các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Chúng tôi vui mừng thấy rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc đã có từ rất sớm. Thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam đã cử danh sĩ, nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát đi sứ sang Batavia (nay là thủ đô Jakarta) để thúc đẩy quan hệ giao thương giữa hai bên.

Và trong thế kỷ 20, mối quan hệ đó lại được tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp bởi tình cảm sâu sắc, hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno cho đến tận hôm nay, khi Việt Nam và Indonesia đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhau. Những thế hệ người Việt Nam vẫn còn nhớ mãi tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xuất phát từ một tình bạn hết sức giản dị và gần gũi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Indonesia và Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam trong cùng một năm 1959, nhân dân Indonesia đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Paman Ho. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng một cái tên cũng rất trìu mến Bung Karno.

Đặc biệt, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Sukarno đã khẳng định: "Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và trong cùng tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chia tay Tổng thống Sukarno đã tặng câu thơ: "Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em"!

Thưa quý vị,

Indonesia có vị trí địa lý chiến lược, vị thế và uy tín quốc tế cao, cả ở tầm khu vực và toàn cầu, xuyên suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước: Là nước nêu ý tưởng đầu tiên và là một trong 5 nước sáng lập Phong trào không liên kết với việc đăng cai Hội nghị Bandung lịch sử năm 1955; là một trong những nước sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967 và Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) năm 1969; có vai trò đi đầu trong các nỗ lực hợp tác của ASEAN với sáng kiến tổ chức cuộc gặp không chính thức Jakarta (JIM) trong những năm 80 để góp phần tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia; chủ trì Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của ASEAN cho ra đời Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) mang tính nền tảng, định hướng lâu dài cho hợp tác khu vực.

Giờ đây, Việt Nam và Indonesia đều là những nước thành viên quan trọng của Cộng đồng ASEAN, hai nước đã có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị tương đồng, nhiều nhận thức và quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Thời gian qua, chúng ta đã và đang chứng kiến những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong việc thực hiện "Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2018 triển khai quan hệ đối tác chiến lược."

Hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và sự phối hợp trên các diễn đàn khu vực, quốc tế là những điểm sáng. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, những vướng mắc được từng bước tháo gỡ nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng to lớn của mỗi nước. Việc không ngừng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc của cả Indonesia và Việt Nam, giúp tăng cường nội lực của mỗi nước, tạo dựng môi trường an ninh thuận lợi, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của hai nước ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Vào những ngày này, chúng ta đang kỷ niệm sự kiện đặc biệt ASEAN ra đời cách đây 50 năm. Việt Nam chúng tôi cũng đang kỷ niệm 22 năm ngày gia nhập ASEAN. Đây là dịp thích hợp để chúng ta cùng suy ngẫm về chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, rút ra những bài học bổ ích và cùng nhau xác định tầm nhìn chiến lược mới và những chính sách, biện pháp phù hợp, nhằm bảo đảm một tương lai phát triển bền vững cho khu vực chúng ta.

Từ góc độ của Việt Nam, tôi xin được chia sẻ cùng quý vị và các bạn một số suy nghĩ về khu vực Đông Nam Á, về ASEAN và Việt Nam:

Đông Nam Á là một khu vực có những nét riêng và chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử thế giới. Khu vực này vốn được coi là hành lang, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Đây là khu vực giàu tài nguyên, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng; án ngữ con đường yết hầu thế giới từ Tây sang Đông và là một trong những khu vực quan trọng nhất cho tương lai của các mối quan hệ giữa các nước lớn.

Đông Nam Á nổi bật với đặc điểm: Nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo và văn hóa đa dạng. Đã có nhận xét coi Đông Nam Á là "bảo tàng dân tộc" của thế giới; trình độ phát triển không đồng đều; đa dạng về chế độ chính trị-xã hội.

Quá trình hình thành các quốc gia-dân tộc trong khu vực cũng khác nhau, theo đó, thể chế chính trị, xu hướng phát triển của các nước cũng khác nhau. Những đặc điểm đó đã khiến cho khu vực này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở thành một trong những khu vực đối đầu, tranh giành ảnh hưởng chính giữa Đông và Tây.

Ngày nay, từ một khu vực trải qua chiến tranh, nhiều xung đột và bất ổn, Đông Nam Á đã trở thành một khu vực tương đối hòa bình, ổn định, trong lúc nhiều nơi trên thế giới còn bất ổn, rối ren. Từ một khu vực đối đầu, chia rẽ, Đông Nam Á đã xây dựng được một Cộng đồng ASEAN "thống nhất trong đa dạng," xây dựng và phát huy được vai trò trung tâm trong cơ chế hợp tác khu vực.

ASEAN được coi là tổ chức khu vực thành công thứ hai thế giới, sau Liên minh châu Âu. Từ một khu vực nghèo nàn, lạc hậu, Đông Nam Á nay đã trở thành một trong những khu vực năng động với sức mạnh của một nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới, đang trên đà phấn đấu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2050. Nền tảng vững chắc nhất và cũng là thành tựu then chốt nhất mà ASEAN đạt được là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và an ninh bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập, duy trì và thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác vì mục tiêu tăng trưởng, hội nhập, liên kết, gắn bó, đùm bọc và chia sẻ.

Trải qua 50 năm, những gì diễn ra tại Đông Nam Á thực sự là một kỳ tích. Những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự phát triển có thể nói là ngoạn mục như vậy của khu vực?

Trước hết, sự ra đời của ASEAN vào thời điểm cuối những năm 60 của thế kỷ trước có liên quan mật thiết đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Song, tình hình đã thay đổi những năm sau đó. Việc Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt trở thành thành viên chính thức của ASEAN, đưa tổng số thành viên lên 10 nước, là bước ngoặt quan trọng chấm dứt cục diện đối đầu giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á.

Với Hiến chương năm 2007, ASEAN đã trở thành một thực thể pháp lý. Với sự ra đời Cộng đồng vào năm 2015, ASEAN đang trở thành một thể thống nhất, gắn bó. Nhờ có ASEAN, các cựu thù trở thành bạn bè, thành đối tác hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Hai là, với sự tham gia ASEAN, mỗi nước thành viên ASEAN ở những mức độ khác nhau đều đạt được những lợi ích quan trọng. Nhờ vào các khuôn khổ như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và cho đến nay là Cộng đồng kinh tế ASEAN, thương mại nội khối ASEAN năm 2016 đã tăng gấp 4 lần so với năm 1993, đầu tư nội khối giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016 cũng tăng gấp 4 lần, ASEAN đã tạo dựng được một thị trường tiêu dùng trị giá 1.170 tỷ USD năm 2013 (so với 300 tỷ USD năm 2000). Cũng nhờ có ASEAN mà vị thế của từng nước thành viên khi tham gia hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao.

Ba là, đối với các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, ASEAN cũng mang lại nhiều lợi ích và tranh thủ được sự hợp tác của họ, nhất là các nước lớn. Các cơ chế mà ASEAN thiết lập như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), các cơ chế hợp tác ASEAN+1, ASEAN+3... đã quy tụ được sự tham gia của nhiều nước lớn. Những cơ chế này cũng là những viên gạch góp phần vào quá trình xây dựng nên cấu trúc mới ở khu vực. Ở mức độ khác nhau, các nước ngoài khu vực Đông Nam Á đều tận dụng cấu trúc này và đều có lợi từ sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Thưa quý vị,

Nói như vậy không có nghĩa là sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN luôn thuận buồm xuôi gió. Như bất cứ một tổ chức quốc tế và khu vực nào khác, ngay từ những ngày đầu, ASEAN đã phải đối mặt với nhiều thách thức, cả chính trị và an ninh, cả bên trong lẫn bên ngoài. Điều đó đúng với quá khứ 50 năm qua và cũng còn đúng với chặng đường phía trước của ASEAN.

Trong những thách thức ASEAN đang phải đối mặt, nổi lên một số vấn đề quan trọng, đó là: Về chủ quan, là trình độ phát triển kinh tế giữa các nước còn đa dạng và chênh lệch; tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động hiệu quả chưa cao, thoả thuận nhiều song thực thi còn hạn chế; nhận thức của người dân về lợi ích tham gia ASEAN còn khiêm tốn.

Về khách quan, là những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như an ninh hàng hải, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh sinh thái, nguồn nước, biến đổi khí hậu... đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Mặt trái của toàn cầu hóa và xu hướng bảo hộ trở lại tại nhiều nơi trên thế giới cũng là trở ngại không nhỏ đối với sự phát triển của Cộng đồng.

Tuy nhiên, nhân tố quan trọng phải kể đến là tác động không thuận từ cạnh tranh lợi ích giữa các nước lớn. Là khu vực có vị trí địa-chiến lược then chốt tại châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á luôn là tâm điểm cọ xát trong mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh rất phức tạp giữa các nước lớn. Sự biến đổi đang diễn ra hiện nay thật dữ dội và mạnh mẽ, đang tác động đến cục diện thế giới, đến các mối quan hệ quốc tế, đến ASEAN và đến mỗi nước chúng ta hết sức sâu sắc về nhiều mặt với những hệ lụy khó lường.

Thưa quý vị,

Vậy những bài học nào của 50 năm sẽ giúp ASEAN tiếp tục giải quyết những thách thức ngày càng gay gắt nói trên để chèo lái thành công đoàn tàu hội nhập của Đông Nam Á trong tương lai?

Theo tôi, bài học lớn nhất để ASEAN giữ được vai trò quan trọng là giữ vững "độc lập, tự cường" và "đoàn kết, thống nhất". 50 năm qua, từng nước ASEAN đã không ngừng củng cố độc lập và gia tăng mức độ tự cường thông qua các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược đối ngoại của mình và thông qua các hoạt động hợp tác trong ASEAN. Tôn trọng độc lập, chủ quyền là giá trị cốt lõi, đã định hình trong lịch sử và là tương lai của ASEAN.

Bài học sâu sắc là đoàn kết và thống nhất. Người Việt Nam có câu "đoàn kết là sức mạnh," người Indonesia có câu "Bhinneka Tunggal Ika" - Tuy khác nhau nhưng vẫn là một; các nước ASEAN khác đều có những câu châm ngôn tương tự. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN đã chứng tỏ, khi nào đoàn kết trên cơ sở tổng hòa các lợi ích chung được củng cố thì vai trò và tiếng nói của Hiệp hội được tôn trọng, phát huy.

Ngược lại, khi nào đoàn kết ASEAN khó khăn thì uy tín của Hiệp hội, vị thế của từng nước thành viên trong quan hệ với các nước khác cũng bị thách thức. Do vậy, giữ được đoàn kết trong ASEAN là một vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Một bài học quan trọng nữa giúp làm nên sự thành công của ASEAN và của mỗi nước thành viên là do ASEAN giữ được "vai trò trung tâm" trong các cơ chế hợp tác khu vực. Tôi chia sẻ với nhận xét của Tổng thống Joko Widodo trong phát biểu kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN nhấn mạnh, ASEAN cần giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, từ đó tự quyết định tương lai của mình. Chính nhờ đoàn kết và vai trò trung tâm mà ASEAN đã tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng và sự tôn trọng của các nước ngoài khu vực.

Quá trình phát triển của ASEAN cũng cho thấy Hiệp hội đã vượt qua được những thời điểm khó khăn bằng "phương thức ASEAN". Sự dẻo dai đầy ấn tượng của "phương thức ASEAN" bắt nguồn từ cách tiếp cận văn hóa tham vấn ("mufakat") và đồng thuận ("musyawarah") của Indonesia. ASEAN, dù chưa phải là một tổ chức hoàn hảo, song cũng đem lại một mô hình hợp tác hấp dẫn và hiệu quả. Cách tiếp cận của ASEAN cũng có thể sẽ trở thành con đường của tương lai, cho phép các khu vực bị chia rẽ và đầy rạn nứt khác tham khảo để xây dựng được các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và chân thành.

Đối với các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước lớn, chúng ta mong muốn các nước chia sẻ nhận thức rằng: Vai trò trung tâm của ASEAN phù hợp với lợi ích chung. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất; một ASEAN mạnh; một ASEAN gia tăng liên kết nội khối và mở rộng quan hệ với bên ngoài là lợi ích lớn nhất của tất cả các nước. Một ASEAN như vậy sẽ không phải lựa chọn đứng về một phía, sẽ không tham gia vào các tập hợp lực lượng đối đầu nhau hoặc xung đột với các nước lớn, đồng thời còn có thể đóng vai trò "trung gian tích cực", giúp giải quyết những mâu thuẫn lợi ích, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tôi cũng có chung suy nghĩ với đánh giá của Ngài Tổng thống Indonesia về ASEAN: "ASEAN đã trở thành nơi các nước lớn nói chuyện với nhau. Nhưng đừng để ASEAN trở thành con bài cho sự cạnh tranh giữa các nước lớn. ASEAN phải duy trì vai trò là tâm điểm của ngoại giao tại khu vực."

Giờ đây, ASEAN đang ở vào một giai đoạn phát triển mới. Để hiện thực hóa "Tầm nhìn ASEAN 2025," tôi thiết nghĩ ASEAN cần phải nỗ lực thực hiện mấy điểm sau đây:

Một là, xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng. Đây là lợi ích chiến lược lâu dài của tất cả các nước thành viên ASEAN, đòi hỏi thái độ "hướng tâm" và trách nhiệm đóng góp của tất cả các nước thành viên trong việc không ngừng tăng cường đoàn kết, thống nhất và liên kết nội khối, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích riêng của mỗi nước thành viên.

Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có và bổ sung các cơ chế hữu hiệu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hội nhập, hợp tác trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả và mức độ gắn kết về kinh tế và nhất là đẩy mạnh sự tham gia của người dân cũng như sự hưởng lợi của người dân trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác toàn diện trên tất cả các kênh, trong đó bên cạnh kênh quan hệ nhà nước, cần chú trọng phát huy các kênh nghị viện, chính đảng, doanh nghiệp, báo chí, học giả, văn nghệ sỹ và nhất là giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hữu nghị, gắn kết giữa nhân dân các nước ASEAN.

Hai là, duy trì và củng cố hòa bình, ổn định của khu vực. Những gì ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực đều là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của ASEAN. Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo là trách nhiệm của các nước trực tiếp có liên quan nhưng cách ứng xử và hành động của các nước trong quá trình xử lý tranh chấp có tác động trực tiếp đến lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. ASEAN cần chủ động đẩy mạnh hợp tác, hình thành các chuẩn mực, cơ chế và công cụ hữu hiệu để đối phó với các thách thức, ngăn ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định chung.

Ba là, tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời củng cố, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình của khu vực. Phát triển quan hệ hợp tác có hiệu quả với các đối tác theo phương châm bảo đảm hài hòa quan hệ giữa các nước, kể cả các nước lớn, không lệ thuộc, giữ vững tính độc lập, tự cường của ASEAN. Nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ chế khu vực mà ASEAN làm nòng cốt để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong việc bảo đảm an ninh, duy trì hòa bình, ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thưa quý vị,

Trong 22 năm qua, dù là thành viên đến sau với trình độ phát triển còn có hạn, nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, góp phần duy trì và thúc đẩy một trật tự ở Đông Nam Á dựa trên các quy tắc của khu vực và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực.

Việt Nam cảm ơn các nước sáng lập, các nước thành viên, cảm ơn các vị lãnh đạo tiền bối của ASEAN về tầm nhìn chiến lược và nỗ lực đóng góp xây dựng Hiệp hội. Việt Nam nguyện hết lòng chăm lo vun đắp cho sự bền vững của ngôi nhà chung chúng ta. Hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam và Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên biến thành hiện thực các mục tiêu cao cả của Cộng đồng ASEAN - phồn vinh và thống nhất trong đa dạng như ước vọng của các vị lãnh đạo tiền bối và của các dân tộc Đông Nam Á.

Điều tôi mong mỏi và muốn được gửi gắm đến quý vị, là hai nước chúng ta - Việt Nam và Indonesia - có vị trí quan trọng ở khu vực, cùng chia sẻ nhiều quan niệm và giá trị chung, có truyền thống gắn bó và hợp tác chặt chẽ không chỉ trong quá khứ mà cả ngày nay.

Hai nước chúng ta hãy cùng nhau chung tay đoàn kết cùng các nước ASEAN khác tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi, phấn đấu hơn nữa vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và vì một ASEAN "lấy người dân làm trung tâm." Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chúc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia tiếp tục thu được nhiều thành quả mới.
Chúc sức khỏe và hạnh phúc tất cả quý vị và các bạn.
Xin trân trọng cảm ơn.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục