Toan tính hạt nhân của Trung Quốc cản trở hiệp ước tên lửa Mỹ-Nga?

Giống như những gì diễn ra với Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), các quan chức trong Chính quyền Trump cho biết New START không đáng được gia hạn nếu không gồm cả Trung Quốc.
Toan tính hạt nhân của Trung Quốc cản trở hiệp ước tên lửa Mỹ-Nga? ảnh 1Tên lửa Harpoon được phóng từ tàu khu trục USS Fitzgerald của Mỹ trong cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển gần Guam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, trở ngại chính đối với hiệp ước hạt nhân cực kỳ quan trọng giữa Mỹ và Nga không phải là ông Donald Trump hay ông Vladimir Putin, mà là Trung Quốc.

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START), hiệp ước vũ khí cuối cùng còn tồn tại giữa hai siêu cường hạt nhân, sẽ hết hạn vào đầu 2021.

Giống như những gì diễn ra với Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) khi Mỹ tuyên bố rút khỏi, các quan chức trong Chính quyền Trump cho biết New START không đáng được gia hạn nếu không bao trùm cả Trung Quốc.

Thất bại trong việc sửa đổi hoặc gia hạn hiệp ước sẽ là dấu chấm hết cho hàng thập kỷ tồn tại của những thỏa thuận nhằm hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng kết quả này cũng sẽ gửi một tín hiệu đáng lo ngại tới nhiều quốc gia, từ Saudi Arabia cho tới Triều Tiên, vô hình trung khích lệ họ tìm cách phát triển các chương trình hạt nhân.

Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng Mỹ nên cân nhắc “đa phương hóa” thỏa thuận.

Ông nói: “Nếu chúng ta thực sự muốn nỗ lực tránh một cuộc chạy đua vũ trang, và duy trì các cơ chế này, chúng ta phải đa phương hóa hiệp ước."

Tuy nhiên, trong khi Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí hạt nhân trong thập kỷ tới, hầu hết các chuyên gia về kiểm soát vũ khí đều nhìn nhận rằng Washington và Moskva trước hết nên gia hạn New START và sau đó mới cân nhắc đến những vấn đề liên quan tới Bắc Kinh.

Sam Nunn, cựu thượng nghị sỹ bang Georgia, thành viên đảng Dân chủ, đồng chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Sẽ đến một lúc nào đó Trung Quốc trở thành đối thủ (của Mỹ), song đó không phải là điều đang diễn ra. Nhiều người đều cho rằng ít nhất chúng ta nên gia hạn một hiệp ước đang tồn tại và bắt đầu mọi thứ từ đó."

Giới chức Nga cho biết họ muốn gia hạn hiệp ước thêm 5 năm, tính từ thời điểm nó hết hạn vào 2021. Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với báo giới rằng Mỹ vẫn tiếp tục khăng khăng nhấn mạnh yêu cầu đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán - một thông điệp được đích thân người đồng cấp Mỹ Michael Pompeo đưa ra tại các cuộc gặp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Moskva nói rằng thời gian đang dần cạn kiệt, trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới trên thực tế sẽ phải kéo dài ít nhất là một năm. Thậm chí, chỉ tính riêng việc gia hạn hiệp ước cũng đòi hỏi các cuộc thảo luận kéo dài. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bình luận trong cuộc phỏng vấn với tờ Các vấn đề quốc tế của Nga: “Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ tránh phí phạm thời gian thêm nữa. Không còn hiệp ước nào khác. Khoanh tay đứng nhìn hiệp ước này chấm dứt là điều khó chấp nhận. Cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá hành động đó là sự chối bỏ một trong những trụ cột then chốt đảm bảo an ninh quốc tế."

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ, cho đến nay Bắc Kinh vẫn né tránh các cuộc đàm phán 3 bên với lý do cho rằng họ hiện còn đang ở quá xa so với Moskva và Washington, hai “ông lớn” sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện trên thế giới có tổng 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, số đầu đạn hạt nhân là 13.865 chiếc, theo số liệu năm 2018. Mỹ và Nga mỗi nước có hơn 6.000 đầu đạn, tiếp theo đó là Pháp với 300 đầu đạn, Trung Quốc sở hữu 290 đầu đạn, Anh 200, Ấn Độ và Pakistan mỗi nước 100 đầu đạn, Israel có khoảng 80 đầu đạn, và Triều Tiên có trong tay từ 20-30 đầu đạn.

[Nga gửi thư cho các lãnh đạo thế giới đề xuất hoãn triển khai INF]

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được cho là sẽ gia tăng nhanh chóng. Tháng 5 vừa qua, Trung tướng Robert Ashley, Giám đốc Viện Tình báo Quốc phòng, cho rằng Trung Quốc “đã phát triển các phiên bản mới của lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vận chuyển linh hoạt trên bộ, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn từ hầm và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm...

Với tuyên bố về việc phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện bộ ba hạt nhân của mình, hiện thực hóa cam kết tăng cường cai trò và tính trung tâm của các lực lượng hạt nhân trong tham vọng quân sự của mình."

Cựu quan chức cấp cao phụ trách vấn đề kiểm soát xuất khẩu và chống phổ biến vũ khí trong Chính quyền Clinton Gary Samore cho rằng các nỗ lực lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc đàm phán là không đơn giản bởi các toan tính của quốc gia này, trong đó có ý đồ kiềm chế nước láng giềng Ấn Độ và mở rộng chương trình hạt nhân.

Ông Samore, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông Crown, thuộc Đại học Brandies, nói: “Cách tiếp cận 3 bên là không thực tế ở thời điểm này bởi Trung Quốc sẽ không chấp nhận thể chế hóa số vũ khí hạt nhân được cho là khá ít so với những gì Mỹ và Nga sở hữu."

Việc INF bị hủy bỏ cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Esper gần đây cho biết Mỹ đang cân nhắc triển khai tại châu Á các tên lửa tầm trung từng bị cấm theo hiệp ước, một ý định khiến giới chức Trung Quốc tức giận. Theo ông Samore, căn cứ mới dự kiến triển khai các tên lửa này có thể là Đài Loan hoặc Nhật Bản.

Ngoài trở ngại chính là Trung Quốc, các cuộc đàm phán Mỹ-Nga còn trở nên phức tạp hơn bởi sự hoài nghi từ cả 2 phía. Ủy ban phụ trách giải giáp hạt nhân thuộc LHQ đã có kế hoạch tiến hành các cuộc họp hồi đầu tháng song các quan chức Nga từ chối tham dự để phản đối việc Mỹ từ chối cấp visa cho các thành viên phái đoàn.

Trong một báo cáo mới đây, Sam Nunn và Ernest Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, hiện là đồng chủ tịch NTI, cùng cảnh báo rằng khác với những gì diễn ra thời Chiến tranh Lạnh, vài năm trở lại đây, sự hiện diện của các công nghệ máy tính và không gian mới đã khích lệ đáng kể cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân, cả về chất lẫn lượng, và rằng thực tế này có thể càng khiến Mỹ quyết tâm ràng buộc Trung Quốc bởi một thỏa thuận trong tương lai.

Thực tế việc năng lực quân sự và công nghệ của Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong nhiều thập kỷ từ khi các thỏa thuận hạt nhân đầu tiên được ký kết cho thấy Chính quyền Trump đã đúng khi kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán chiến lược, cho dù việc gia hạn New START là có lợi hơn cho Mỹ.

Nhà nghiên cứu Robert Manning, làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhấn mạnh: “Mỹ vốn chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực công nghệ mới, chẳng hạn như không gian, song Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta cần các cuộc đối thoại chiến lược để ứng phó những thực tế mới này. Chúng ta có muốn vũ khí tự hành hay không? Chúng ta có nên cấm vũ khí siêu thanh? Đó là điều tất yếu sẽ xảy ra, chứ không đơn giản chỉ còn là có nên giảm trừ vũ khí hạt nhân hay không"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục