Toan tính của Nga trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc

Nga là trung tâm quyền lực duy nhất ủng hộ Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ muốn áp các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề COVID-19.
(Nguồn: theconversation.com)

Mạng tin kp.ru, ukraina.ru đưa tin thời gian gần đây dư luận ở Nga tập trung thảo luận bối cảnh cục diện thế giới sau đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nga trong thế đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lý do xung đột Mỹ-Trung nóng lên

Theo nhà nghiên cứu chính trị học người Nga, chuyên gia về Mỹ Dmitry Drobnitsky, cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã được định hình. Hai nước đang cố kéo cả thế giới vào cuộc cạnh tranh để giành vị thế lãnh đạo thế giới.

Dịch COVID-19 không làm phát sinh cuộc chiến này mà chỉ làm trầm trọng thêm và đẩy nhanh quá trình.

Đại dịch làm khoảng thời gian yên bình của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở nên ngắn ngủi và vô nghĩa.

Một vòng xoáy mới của cuộc chiến thương mại sẽ lại bắt đầu khi tình hình đại dịch lắng xuống và thời điểm bầu cử ở Mỹ đang tới gần. Chỉ trong vài tuần nữa cuộc đấu giữa hai siêu cường sẽ bắt đầu giai đoạn gay gắt mới.

COVID-19 đã qua đỉnh điểm, nhưng hậu quả sau đó là nền kinh tế sụp đổ trên thế giới.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm nghiêm trọng, thất nghiệp và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác ở mức báo động, khủng hoảng thanh khoản và các vấn đề khác đã và đang xảy ra.

[Quan hệ Mỹ-Nga-Trung: Ba kịch bản tồi tệ thời hậu COVID-19]

Để vượt qua khủng hoảng, các nước phương Tây cần tiến hành tái cấu trúc quy mô lớn, làm chủ công nghệ mới, đấu tranh trong một số sân khấu địa chính trị và công nghệ.

Trung Quốc tiếp tục phát triển khi cả thế giới còn đang nỗ lực chống lại bệnh dịch. Nước này đã nhanh chóng phục hồi và có thể giải quyết các vấn đề kinh tế, trở lại các dự án cũ dù có thể điều chỉnh, trong khi nhiều nước phương Tây không có đủ khả năng này.

Washington và phương Tây không thể "để yên" cho sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời gian đại dịch.

Xung đột với Trung Quốc sẽ bắt đầu tại châu Âu và diễn ra tại nhiều khu vực khác, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở phần châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc cũng sẽ bị lôi kéo vào cuộc đối đầu này.

Ở mức độ này hay mức độ khác, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ có tính chất toàn cầu.

Ảnh hưởng trực tiếp đối với Nga

Chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga-châu Á Vitaly Mankevich nhận định trong vài năm gần đây, Nga được coi là đối thủ chính đối với xã hội Mỹ, song Moskva không gây ra bất cứ nguy cơ thực tế nào đối với lợi ích kinh tế của Mỹ trên toàn thế giới.

Trung Quốc đồng thời thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ cả về công nghiệp và công nghệ. Bởi vậy, những nguồn lực chủ yếu nhắm đến việc chống lại "con rồng phương Đông."

Theo kịch bản này, Mỹ có thể sẽ từ bỏ áp lực quá mức đối với Nga, bởi, khác với Liên Xô, Moskva ngày nay không tạo ra nguy cơ đe dọa mang tính sống còn và đối đầu ý thức hệ đối với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump.

Có khả năng, Nhà Trắng sẽ thử tìm cách "lôi kéo" Nga thông qua đề xuất đầu tư và hủy bỏ các biện pháp trừng phạt.

Kịch bản nêu trên có tính thời sự chỉ khi ông Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 và bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Hiện còn quá sớm để nói về người chiến thắng cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào việc đương kim Tổng thống Mỹ sẽ vực dậy đất nước như thế nào sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19.

Có lý do để duy trì sự lạc quan đối với ông Trump, đó là cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc về vị thế lãnh đạo công nghệ thế giới.

Ở Mỹ, mức lương nhân công cao, đặc biệt trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, làm cho các sản phẩm của họ mất khả năng cạnh tranh. Nhưng vấn đề này có thể được giải quyết bằng cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ tự động hóa.

Nếu máy móc đi vào hoạt động hoàn toàn, giá thành sản phẩm sẽ chỉ phụ thuộc vào gánh nặng thuế, chi phí nguyên liệu thô và chi phí tiện ích. Trong trường hợp này, khu vực “vành đai công nghiệp Mỹ” - nơi có đông đảo cử tri ủng hộ ông Trump - sẽ có cơ hội phục hưng.

Vai trò của châu Âu trong bối cảnh mới

Theo chuyên gia Vitaly Mankevich, phản ứng chậm chạp của Liên minh châu Âu (EU) đối với lời kêu gọi trợ giúp Italy vượt qua khủng hoảng COVID-19 đã khiến uy tín của EU tổn hại mạnh mẽ.

Tiếp theo, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bị đặt câu hỏi về tính thống nhất trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các quốc gia châu Âu là thành viên của tổ chức này với Lầu Năm Góc, hoặc mối quan hệ nhạy cảm giữa Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO - với Nga.

Từ lâu, châu Âu đã tiết kiệm chi tiêu quốc phòng, quen với sự bảo vệ của Mỹ. Do vậy, trong bối cảnh mới, câu hỏi về an ninh châu Âu vẫn còn bỏ ngỏ.

Việc Mỹ giảm sự hiện diện ở “Lục địa già” sẽ dẫn đến một vấn đề nan giải đối với EU: Hợp tác an ninh với Nga và Trung Quốc, hay tạo ra quân đội châu Âu với việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2-3% GDP mỗi nước. Cho đến nay, lựa chọn thứ hai có vẻ khả thi hơn.

Ngoài ra, cũng có thể xảy ra một kịch bản khác. Paris và Berlin sẽ hình thành Liên minh châu Âu 2.0 gồm các quốc gia phát triển nhất: Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, các quốc gia cựu đế quốc Áo-Hung, Scandinavia trước đây. Theo đó, “EU 2.0” sẽ tiếp tục cân bằng giữa Mỹ và Anh ở phương Tây và Nga, Trung Quốc ở phía Đông.

Hợp tác Á-Âu chống ảnh hưởng của Mỹ

Hiện tại Trung Quốc đã có khởi đầu thuận lợi nhờ chiến thắng sớm trước đại dịch COVID-19.

Các tham vọng của Bắc Kinh được viết tiếp nhờ vào việc tập trung nỗ lực xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Ở trong nước, dự án Made in China 2025 tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong chính sách đối nội với điểm nhấn là cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

(Nguồn: michelegeraci.com)

Viện trợ nhân đạo trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu.

Trước sự quan tâm đang giảm dần của Mỹ đối với EU và Trung Đông, Bắc Kinh sẽ cố gắng chiếm lấy vị thế của Washington về mặt kinh tế và cuộc khủng hoảng toàn cầu đang góp phần vào việc này.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn tấn công vào cỗ máy in tiền của Mỹ, làm lung lay vị thế của đồng bạc xanh trên thế giới.

Để làm điều này, Bắc Kinh dự định thanh toán dầu thô nhập khẩu bằng đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện các bước đi khác nhằm thay thế đồng USD, trong đó có việc phát triển loại tiền điện tử.

Hiện nay, Nga là trung tâm quyền lực duy nhất ủng hộ Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ muốn áp các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề COVID-19. Cách tiếp cận này có thể giúp Moskva làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thu hút đầu tư mới, cũng như tạo dựng chuỗi sản xuất chung.

Vị thế của Nga

Nhiệm vụ chính của Nga, theo chuyên gia Vitaly Mankevich, là tự duy trì một trung tâm quyền lực và ra quyết định độc lập.

Nhiều khả năng, những nỗ lực chính của Moskva sẽ nhằm mục đích tăng cường hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và mở rộng vai trò của tổ chức này.

Tình hình hiện tại sẽ cho phép Nga tăng cường ảnh hưởng ở Đông và Nam Âu, nhưng ở các khu vực này, Moskva sẽ gặp sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Nhìn chung, Nga sẽ có vị thế thuận lợi nhất trong cách bố trí lực lượng thế giới mới, có khả năng trở thành trung gian hòa giải giữa Washington và Bắc Kinh, khi mà lợi ích của hai bên ngày càng xung đột hơn.

Đồng tình với quan điểm này, theo nhà nghiên cứu chính trị học người Nga Dmitry Drobnitsky, Nga sẽ không hoàn toàn ngả về phía Mỹ hoặc Trung Quốc mà có thể phát triển các dự án độc lập.

Đó có thể là thúc đẩy vai trò của Moskva trong phong trào không liên kết 2.0, hoặc sẽ lãnh đạo phát triển dự án hội nhập khu vực mạnh mẽ với quy mô dân số 300-500 triệu dân xung quanh nước Nga. Nhiệm vụ là tạo ra một khu vực hùng mạnh đủ sức cân bằng với các trung tâm quyền lực khác, bao gồm Trung Quốc.

Việc hình thành thị trường nội địa rộng lớn như vậy cho phép nước Nga bước vào thế kỷ 21 một cách độc lập và không cần lo nghĩ đến những biến động liên quan đến cuộc đấu tranh giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo ông Dmitry Drobnitsky, khả năng Moskva liên minh với Washington khó xảy ra.

Trong mọi tình huống, dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới ở Mỹ và dù quan hệ Washington với Bắc Kinh có xấu đi hoặc tốt lên, thì tranh cãi giữa Moskva và Bắc Kinh là không cần thiết, càng không nên để xảy ra tình trạng đối địch.

Washington vẫn là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng tới những bước đi cụ thể của Moskva đối với Bắc Kinh. Do đó, cần nghiên cứu kỹ chiến lược nào mà Mỹ sẽ thực thi đối với cả Nga và Trung Quốc trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục