Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 4/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 441.808.641 ca mắc COVID-19.
Số ca tử vong do dịch bệnh này đã vượt mốc 6 triệu ca, cụ thể là 6.000.621 ca. Số bệnh nhân đã bình phục là 374.729.617 người, trong khi vẫn còn 73.269 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 80.841.444 ca mắc và 981.694 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 42.951.262 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới khi ghi nhận 650.646 ca.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 1.488.369 ca mắc mới, trong đó Hàn Quốc có số ca mắc mới cao nhất, với 266.853 ca và đây là lần đầu tiên số ca mắc theo ngày tại nước này vượt mốc 260.000 ca. Đứng thứ hai thế giới về số ca mắc mới theo ngày là Đức với 202.338 ca, sau đó là Nga với 93.026 ca.
Trước diễn biến dịch phức tạp và số ca mắc mới tăng mạnh, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Jeon Hae-cheol cho biết nhiều khả năng chính phủ sẽ tái áp đặt biện pháp hạn chế về thời gian mở cửa đối với cơ sở kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng và một số cơ sở khác.
Những cơ sở này phải đóng cửa vào lúc 23h thay vì 24h như hiện nay. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 5-20/3. Riêng quy định tụ tập theo nhóm với tối đa 6 người tham gia vẫn có hiệu lực.
Theo ông Jeon Hae-cheol, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của những bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng đã tăng 50% trong tuần này, song tỷ lệ tử vong hay tỷ lệ bệnh nhân nguy kịch vẫn trong tầm kiểm soát.
[WHO đưa ra khuyến nghị mới về việc sử dụng thuốc Molnupiravir]
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh có chiều hướng tích cực là cơ sở để một số quốc ga nới lỏng biện pháp phòng dịch.
Dự kiến, trong tháng 3 này, Pháp sẽ chấm dứt hầu hết các quy định hạn chế được áp dụng để phòng chống COVID-19, đồng thời bãi bỏ việc kiểm tra chứng nhận tiêm chủng ở các nhà hàng, quán bar, hoặc tại các sự kiện văn hóa. Theo đó, kể từ ngày 14/3, chứng nhận tiêm vaccine được cấp cho các trường hợp đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, chứng nhận tiêm chủng sẽ vẫn được áp dụng đối với các trường hợp đến bệnh viện hoặc viện dưỡng lão nhằm bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở những địa điểm này.
Cũng kể từ ngày 14/3, khẩu trang sẽ chỉ được yêu cầu sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng. Điều này có nghĩa là người dân không bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi làm việc, công sở hoặc trường học.
Tại Slovenia, chính phủ nước này thông báo kể từ ngày 7/3 sẽ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học, vốn đã được áp dụng trong 1 năm qua để phòng chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Slovenia Janez Poklukar cho biết căn cứ tình hình dịch tễ hiện nay, học sinh, sinh viên và giáo viên không phải đeo khẩu trang trong lớp học. Số ca mắc mới tại Slovenia đã giảm mạnh, ngày 2/3 ghi nhận 1.823 ca, so với 2.359 ca ghi nhận một tuần trước đó. Số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục ở nước này là 24.247 ca ghi nhận vào ngày 1/2 vừa qua.
Slovenia đã bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp phòng dịch kể từ ngày 19/2, trong đó có việc chấm dứt áp dụng chứng nhận tiêm chủng đối với du khách khi nhập cảnh hoặc đối với người tham gia các sự kiện trong nhà.
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại hầu hết các địa điểm công cộng trong không gian kín. Đến nay, 58% dân số Slovenia đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19./.