Toàn bộ đoàn tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ về nước vào cuối năm

Hiện nay, 3 đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được vận chuyển về nước. 10 đoàn tàu còn lại sẽ lần lượt được tổng thầu chuyển về theo kế hoạch từ nay đến cuối năm.
Nhiều người dân háo hức thăm quan đoàn tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào chiều 4/10, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, hiện nay 3 đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được vận chuyển về nước. 10 đoàn tàu còn lại sẽ lần lượt được tổng thầu chuyển về theo kế hoạch từ nay đến cuối năm.

[Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lỡ hẹn kế hoạch chạy thử tàu]

Theo ông Phương, sáng 24/9 vừa qua, 2 đoàn tàu số 2 và 3 (mỗi đoàn tàu gồm 2 toa đầu tàu và 2 toa khách) đã cập cảng Hải Phòng; 24 giờ tối cùng ngày, các toa tàu đã được chuyển lên bờ thành công. Các bên gồm đơn vị bảo hiểm vận tải biển và vận tải đường bộ cùng phối hợp chặt chẽ, xác nhận các thủ tục chuyển giao trách nhiệm trước khi tàu được đưa lên bờ chuẩn bị cho công tác vận chuyển về dự án.

Do toa tàu có chiều cao lớn, dài, cộng với chiều cao của xe vận chuyển chuyên dụng nên cung đường vận chuyển phải đảm bảo không vướng các chướng ngại về chiều cao cũng như góc rẽ.

Theo đó, lộ trình vận chuyển được cấp phép từ cảng Hải phòng chạy dọc theo Quốc lộ 5 cũ - Quốc lộ 10 - rẽ vào Quốc lộ 21B về đến Phủ lý - rẽ vào Quốc lộ 1 cũ về đến Văn Điển - rẽ vào Quốc lộ 70 về đến đường Quang Trung - Hà Đông và tập kết tại khu Depot của dự án.

Rạng sáng các ngày 2 và 3/10, hai đoàn tàu trên đã được vận chuyển và tập kết an toàn về khu Depot của dự án. Trong suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia luôn túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu. Hiện nay, các toa tàu đã được đưa lên đường ray khu Depot và đang thực hiện công tác liên kết, tổ hợp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.

[Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đầu tiên đã về tới Hà Nội]

Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông gồm 4 toa xe chuẩn B1 với 2 toa xe kéo có cabin lái tàu ở hai đầu (Tc), 2 toa xe động lực có động cơ ở giữa (M). Chiều dài đoàn tàu là 79m. Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m; độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8m. Tốc độ tối đa đạt 80km/giờ; tốc độ khai thác trung bình ≥ 35km/giờ.

Về năng lực chuyên chở, toa Tc có 36 chỗ ngồi tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 230 người nhưng tối đa có thể chở 327 người; toa giữa M có 42 chỗ ngồi tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 250 người nhưng tối đa chở được 354 người; cả đoàn tàu chở 960 người nhưng tối đa chở 1.326 người.

Trước đó, một số thông tin đề cập một toa tàu đã chạy dọc đường ray trên cao của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và nhiều ý kiến cho rằng vận hành chạy thử nghiệm vào sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông bác bỏ và giải thích đó là chạy thông trên đường ray chỉ có ý nghĩa kiểm tra đường. Chạy thử liên quan đến rất nhiều vấn đề.

“Chạy thử nghiệm vận hành tuyến đường này ngoài đường ray còn liên quan đến hệ thống điều khiển, thông tin tín hiệu... Khi hội tủ đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết mới có thể chạy thử,” Thứ trưởng Đông khẳng định.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, cuối tháng Bảy vừa qua dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng Mười tới, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống trong 3-6 tháng. Dự kiến quý 2/2018, dự án đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, dự án đang bị chậm tiến độ nhiều hạng mục do công tác giải ngân chậm, trong khi phải chờ nguồn vốn vay bổ sung 250 triệu USD vẫn chưa hoàn thành thủ tục các hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục