Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Tòa Hiến pháp thuộc Tòa án công lý tối cao Venezuela ngày 8/3 đã ra phán quyết khẳng định trên cương vị tổng thống lâm thời, ông Nicolas Maduro có quyền ứng cử tổng thống và trong quá trình tranh cử không phải từ bỏ chức vụ này.
Tòa hiến pháp là cơ quan đưa ra giải thích cuối cùng mỗi khi có bất đồng trong việc thực hiện hiến pháp tại Venezuela. Trước đó, đã có yêu cầu tòa trên giải thích về một điều khoản của Hiến pháp Venezuela hiện hành liên quan tới việc bổ nhiệm tổng thống lâm thời khi xảy ra tình trạng tổng thống “vắng mặt vĩnh viễn” (từ trần hoặc không đủ điều kiện tiếp tục điều hành đất nước).
Phán quyết của Tòa hiến pháp chỉ rõ sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời ngày 5/3, trên cương vị Phó tổng thống, ông Nicolas Maduro được nhậm chức tổng thống lâm thời và phải triệu tập bầu cử trong vòng 30 ngày để bầu tổng thống mới.
Theo Tòa Hiến pháp, mặc dù Tổng thống Chavez không tuyên thệ nhậm chức hôm 10/1 vì lý do sức khỏe, nhưng do đây là trường hợp tái cử nên chính phủ nhiệm kỳ cũ của ông vẫn tiếp tục điều hành đất nước trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm sự liên tục trong quản lý của cơ quan hành pháp.
Phán quyết của tòa còn khẳng định tổng thống lâm thời là người đứng đầu nhà nước, chính phủ, đồng thời là tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang (FANB).
[Tiễn đưa “người hùng của dân nghèo” Hugo Chavez]
Tuy nhiên, cựu ứng viên tổng thống đối lập và hiện là Thống đốc bang Miranda, ông Henrique Capriles, tuyên bố phán quyết trên là sự “gian lận hiến pháp.”
Theo cáo buộc phe đối lập cánh hữu, việc Tổng thống Chavez không nhậm chức đồng nghĩa với sự “vắng mặt tuyệt đối” của ông và vì vậy chủ tịch quốc hội phải trở thành tổng thống lâm thời và có trách nhiệm triệu tập bầu cử.
Đây là lý do Bàn đoàn kết dân chủ (MUD), liên minh gần 20 chính đảng và tổ chức đối lập, ngày 8/3 tuyên bố các nghị sĩ của liên minh này sẽ tẩy chay lễ nhậm chức tổng thống lâm thời của ông Maduro trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội diễn ra ngay tối cùng ngày.
Trước đó, Chính phủ Venezuela cáo buộc phe đối lập tìm cách xuyên tạc hiến pháp để gây bất ổn và gây chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo Venezuela để làm suy yếu chính phủ, trước thềm cuộc bầu cử, bởi vì cả ông Maduro và Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello đều thuộc Đảng Xã hộichủ nghĩa thống nhất cầm quyền (PSUV).
Trước khi đi Cuba giải phẫu đầu tháng 12 năm ngoái, cố Tổng thống Chavez đã kêu gọi nhân dân bỏ phiếu cho ông Maduro trong trường hợp ca mổ không thành công dẫn tới việc phải tổ chức bầu cử sớm./.