Tọa đàm về vai trò của trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ

Các trí thức, chuyên gia đã mang tới năm tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết từ chính công việc, tích lũy và đóng góp của họ đối với đất nước nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Tiếp nối cuộc tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Trí thức trẻ người Việt tại Thụy Sĩ với đất nước” diễn ra vào tháng Tư vừa qua tại trụ sở phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), các trí thức, chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm lần thứ hai với chủ đề Vai trò của trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa Thụy Sĩ và Việt Nam, diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam tại Berne (Thụy Sĩ) vào cuối tuần trước.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phạm Hải Bằng, chủ trì tọa đàm, với sự tham dự của Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.

Tọa đàm thu hút 40 trí thức và chuyên gia người Việt các thế hệ đã và đang công tác, nghiên cứu tại các trường đại học, các tập đoàn, công ty của Thụy Sĩ và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế ở Geneva.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Phạm Hải Bằng đánh giá cao lòng nhiệt thành của các trí thức và chuyên gia người Việt tham gia tọa đàm Vai trò của trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa Thụy Sĩ và Việt Nam, tiếp nối cuộc tọa đàm “Trí thức trẻ người Việt tại Thụy Sĩ với đất nước,” diễn ra tại Geneva.

Đại sứ Phạm Hải Bằng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết nối các trí thức chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ, đồng thời khẳng định vai trò của Đại sứ quán và Phái đoàn Việt Nam là cầu nối của trí thức, chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ với đất nước.

Đại sứ Dương Chí Dũng điểm lại những công việc mà Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã phối hợp cùng với các trí thức, chuyên gia Việt Nam thực hiện trong thời gian vừa qua kể từ tọa đàm lần thứ nhất, với mục đích kết nối các trí thức, chuyên gia với đất nước, mang những kinh nghiệm, kiến thức từ những những tinh hoa của người Việt tại Thụy Sĩ về Việt Nam.

Tại tọa đàm lần này, các trí thức, chuyên gia đã mang tới năm tham luận, chia sẻ với cử tọa những kinh nghiệm đúc kết từ chính công việc, tích lũy và đóng góp của họ đối với đất nước nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.

Thạc sỹ Nguyễn Lê Kim Khánh giới thiệu dự án Kiến học - khóa học đại học miễn phí chất lượng quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Dự án đã được khởi động từ năm 2015 với sự tham gia của bảy cựu sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm việc tại Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Australia.

Những người thực hiện đã tiến hành khảo sát 30 chương trình giáo dục trực tuyến của Việt Nam trước khi xác định tập trung dự án vào đối tượng các sinh viên đại học và sau đại học. Sau hai năm thực hiện dự án, tới nay Kiến học đã cung cấp 32 khóa học dựa theo các khóa học được yêu thích từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Tudelft, Berkeley, Stanford, MIT... Các khóa học này được chọn lọc, thiết kế và giám sát bởi các cố vấn có chuyên môn học thuật của nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kinh tế, tài chính, luật, sinh học, tâm lý học...

Các khóa học được Việt hóa bởi các thành viên Kiến học hoặc các tình nguyện viên có khả năng dịch thuật được tuyển chọn kỹ càng. Kể từ khi ra mắt khóa học đầu tiên vào tháng 2/2016, đến nay Kiến học đã có 180 bài giảng với 19.000 người tham gia học. Có nhiều khóa học được hàng ngàn học viên tham gia như khóa Tâm lý học có hơn 4.000 người, khóa Khoa học máy tính có 2.000 người, khóa Công lý có 1.500 người...

[Tọa đàm “Trí thức trẻ người Việt tại Thụy Sĩ với đất nước”]

Thạc sỹ Nguyễn Lê Kim Khánh khẳng định mong ước của Kiến học là tạo ra được một thư viện khổng lồ các khóa học giúp người học thỏa sức khám phá, nâng cao kiến thức để có công việc và cuộc sống tốt hơn, trở thành những người học hỏi suốt đời và đóng góp trở lại cho gia đình, cộng đồng, và xã hội.

Tiến sỹ Lưu Vinh Toàn chia sẻ những kinh nghiệm của chính bản thân mình, đã đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Tiến sỹ Lưu Vinh Toàn đang tiếp tục sự nghiệp của anh tại Thụy Sĩ, cũng như dành tâm huyết kết nối các bạn trẻ có năng lực tại Việt Nam với các dự án công nghệ thông tin tiên tiến tại châu Âu.

Ở lĩnh vực hạ tầng năng lượng, tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hợp tác đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ cho các kỹ sư tại Việt Nam. Tháng Năm vừa qua, tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành đã cùng với một nhóm chuyên gia của Stucky, công ty hàng đầu thế giới về đập thủy điện, thủy lợi, thuộc tập đoàn Gruner (Thụy Sĩ) thực hiện một chuyến công tác tại Hà Nội với tâm điểm là việc tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin về quản lý an toàn đập, với sự tham gia của các chuyên gia Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi Việt Nam.

Theo tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành, hợp tác đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ nên thông qua những dự án cụ thể, có tính thiết thực để phát huy hiệu quả tối đa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước hiện nay. Tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành nhấn mạnh việc đào tạo năng lực quản lý một cách hiệu quả và đồng bộ cho kỹ sư Việt Nam cũng đóng một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Và một điều quan trọng nữa, tư vấn cho các chuyên gia của Thụy Sĩ nói riêng, chuyên gia nước ngoài nói chung biết Việt Nam đang cần gì và điều chỉnh những tư vấn, chia sẻ của họ cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngoài ra, tiến sỹ Trịnh Ngọc Thành cũng khẳng định vai trò của Đại sứ quán và Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ là một cầu nối quan trọng trong việc tổ chức hợp tác, đồng thời cần có cả sự hiện diện của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam tham gia vào các chương trình hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Giáo sư Trần Minh Tâm, nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lý học, trình bày về kinh nghiệm hợp tác khoa học trong môi trường đại học giữa Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Trường Bách khoa Lausanne (Thụy Sĩ).

Giáo sư Tâm cũng chia sẻ những suy nghĩ về vấn đề phong giáo sư tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tham luận cuối cùng tại tọa đàm là của tiến sỹ Anh Thơ Andres-Kammler giới thiệu những thông tin, đúc kết về hệ thống giáo dục tại Thụy Sĩ, Singapore và Na Uy, những quốc gia sở hữu nền giáo dục và đào tạo tiến tiến hàng đầu thế giới, đề tài được nhiều sinh viên Việt Nam quan tâm.

Trước khi kết thúc tọa đàm, các trí thức, chuyên gia đã thảo luận về cơ chế hoạt động sắp tới của Hội trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ. Theo đó, trước mắt, hội sẽ thiết lập một danh sách liên lạc của các trí thức, chuyên gia, tạo thuận lợi cho việc trao đổi, kết nối, mở rộng mạng lưới trí thức và chuyên gia Việt tại Thụy Sĩ. Đồng thời, hội cũng sẽ lập một trang Facebook để giới thiệu về các công việc, dự án, đóng góp của các trí thức, chuyên gia tới cộng đồng nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục