Tọa đàm về thành tựu đổi mới của Việt Nam và quan hệ với Hà Lan

Trong thời gian tới, dựa trên thế mạnh và nhu cầu hợp tác của mỗi bên, Việt Nam và Hà Lan sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược.
Tọa đàm về thành tựu đổi mới của Việt Nam và quan hệ với Hà Lan ảnh 1Đại sứ Ngô Thị Hoà phát biểu tại Toạ đàm. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)

Ngày 16/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Hiệp hội Societe de Witte tổ chức Tọa đàm về “Thành tự đổi mới của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hà Lan."

Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Ngô Thị Hòa đã nêu bật những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới. Việt Nam duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm. Việt Nam vươn lên trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều mặt hàng nông-thủy sản; trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đại sứ Ngô Thị Hòa nhấn mạnh Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn về hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới do sức hút của một thị trường với hơn 90 triệu người dân với thu nhập ngày càng tăng, 60% dân số đang trong độ tuổi vàng và có lợi thế về nguồn lao động có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thông qua Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN, cũng như các thị trường lớn khác nhờ vị trí của Việt Nam trong mạng lưới liên kết kinh tế với 55 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia nhóm G20 và nhóm G7.

Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nông nghiệp, các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ...

Về quan hệ Việt Nam-Hà Lan, các đại biểu tham gia tọa đàm đánh giá kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

[Tập đoàn Hà Lan muốn tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam]

Bên cạnh mối quan hệ tin cậy về chính trị, thể hiện qua việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2017, trong thời gian gần đây, hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước cũng đạt những tiến bộ vượt bậc.

Hà Lan hiện là nhà đầu tư trực tiếp châu Âu hàng đầu của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 7,7 tỷ USD (đứng thứ 10/96 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam) và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 2 của Việt Nam với trao đổi thương mại hai chiều năm 2016 đạt 6,7 tỷ USD.

Đặc biệt, Hà Lan là nước đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược theo lĩnh vực với Việt Nam trong hai lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (10/2010) và nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (6/2016).

Thông qua các cơ chế hợp tác này, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp hai nước đã xác định các ưu tiên hợp tác mang tầm nhìn lâu dài, đồng thời cùng triển khai hiệu quả hơn các dự án quan trọng như xây dựng Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long chương trình Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển; các chương trình hợp tác về ngành rau quả, chăn nuôi, nâng cấp chuỗi sản phẩm nông nghiệp, giám giát và kiểm tra hệ thống đê-đập ở Việt Nam...

Đánh giá về triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, các đại biểu nhất trí quan hệ Việt Nam-Hà Lan có rất nhiều điều kiện thuật lợi để phát triển. Đó là cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp; những lĩnh vực ưu tiên hợp tác đã được Chính phủ hai nước xác định gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng, dịch vụ hậu cần; vị thế và vai trò cầu nối của Việt Nam và Hà Lan tại mỗi khu vực...

Trong thời gian tới, dựa trên thế mạnh và nhu cầu hợp tác của mỗi bên, Việt Nam và Hà Lan sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược cũng như phối hợp chặt chẽ hơn để hình thành và thực hiện các dự án hợp tác cụ thể, thiết thực trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục