Tọa đàm về chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới

Tọa đàm “chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo” là cơ hội để nhận diện những thách thức của quá trình hồi phục kinh tế và thực tiễn áp dụng sáng tạo.
Tọa đàm về chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới ảnh 1Phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông là vấn đề chính của tọa đàm“chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.” (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Góp phần tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, ngày 17/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SAIGONTEL), một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư và phát triển các dự án phát triển hạ tầng và đổi mới sáng tạo, sẽ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.”

Diễn đàn này cũng là cơ hội để nhận diện những thách thức của quá trình hồi phục kinh tế và thực tiễn áp dụng sáng tạo vào giải quyết các thách thức đó trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông - lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và có tác động lan tỏa lớn cho sự phục hồi kinh tế.

Sự kiện có sự tham dự của cán bộ quản lý đến từ các cơ quan, bộ ngành trung ương và một số địa phương.

[Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ]  

Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham gia của KIND (Cơ quan trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông của Hàn Quốc có vai trò hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc phát triển các dự án hạ tầng và đô thị tại thị trường nước ngoài).

Tại các buổi tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam, KIND khẳng định sẽ cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc nghiên cứu lựa chọn các địa phương và thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam theo hình thức PPP.

Đây cũng là sự kiện nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022), đúng với định hướng chung giữa hai nước là nâng tầm khuôn khổ quan hệ lên "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng thống nhất.

Không chỉ cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến các cơ chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19, trong tọa đàm, lãnh đạo một số địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Thái Nguyên, Quảng Ninh.. với nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng sẽ công bố những thông điệp cởi mở về chính sách khuyến khích đầu tư vào địa phương qua các chương trình, dự án cụ thể.

Những địa phương này sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, cảng biển và hệ thống giao thông phát triển sẽ là điểm đến hấp dẫn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, việc linh hoạt, cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương cũng là một trong những động lực quan trọng để nhà đầu tư đẩy mạnh dòng vốn trong thời gian sắp tới.

Diễn đàn cũng sẽ hội tụ các ý kiến đóng góp, giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đầu tư nhằm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh nghiên cứu triển khai các dự án, tăng tốc khôi phục kinh tế, kích thích đổi mới, sáng tạo và phục hồi bền vững. Qua đó, góp phần lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục