Tọa đàm tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới tại Việt Nam hiện nay, đứng đầu là ung thư vú với tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất, mỗi năm có 15.000 trường hợp mắc mới.
Chuyên gia và khách mời trao đổi tại tọa đàm. (Nguồn: Vietnam+)

Trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới tại Việt Nam hiện nay, đứng đầu là ung thư vú với tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất. Tiếp theo đó là ung thư đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày…

Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 164.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là hơn 15.000 trường hợp (chiếm tỷ lệ 9,2%).

Theo các chuyên gia, bệnh ung thư vú nếu phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

Tháng 10 được chọn là tháng Phòng chống ung thư vú thế giới. Nhằm cung cấp thêm thông tin giúp chị em phụ nữ có thêm những kiến thức về sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư vú, các chuyên gia và khách mời chia sẻ thông tin tại tọa đàm trên Báo điện tử VietnamPlus gồm:

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Cẩm Phương - Phó giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Chị Trần Thị Cẩm Bào - bệnh nhân đã có nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.

- Để có cái nhìn tổng quan, bác sỹ Phương có thể cho biết bệnh ung thư vú hiện nay trên thế giới và Việt Nam như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Hiện nay bệnh ung thư vú có tỷ lệ mắc ngày càng tăng. Theo công bố mới đây, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người mắc mới bệnh ung thư vú, đứng thứ hai, sau ung thư phổi, và chiếm khoảng 12% trong tổng số bệnh nhân ung thư trên thế giới.

Nếu chỉ tính riêng với phụ nữ thì ung thư vú đứng hàng thứ nhất về tỷ lệ mắc.

Về tỷ lệ tử vong, ung thư vú đứng thứ tư, sau ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ngày càng gia tăng. Hàng năm có khoảng trên 15.000 bệnh nhân ung thư vú mới mắc được chuẩn đoán ở tất cả các bệnh viện trên cả nước. Chúng tôi cảm nhận rằng số lượng bệnh nhân ung thư vú ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa.

- Thưa chị Trần Thị Cẩm Bảo, là một bệnh nhân ung thư vú đã nhiều năm, chị có thể chia sẻ chị phát hiện bệnh ung thư vú lâu chưa và trong tình huống như thế nào?


Chị Trần Thị Cẩm Bào:
Vào năm 2012, trong một lần tắm, tôi thấy ở vú phải có một điểm hồng. Sau khi thấy dấu hiệu bất thường như vậy, tôi có đi khám sản phụ khoa. Sau đó, tôi được các bác sỹ làm các xét nghiệm chuyên sâu và phát hiện ra tôi bị ung thư vú.

- Cảm giác của chị lúc đó như thế nào, thưa chị?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Không phải chỉ tôi mà tất cả những người đồng bệnh của tôi khi nghe tin mình mắc bệnh ung thư vú cũng đều hoang mang, lo sợ. Nhưng sau những phút bàng hoàng, tôi đã trấn tĩnh lại. Tôi thu xếp công việc gia đình, cơ quan để nhập viện điều trị.

- Thưa phó giáo sư Phương, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu ngành về điều trị ung thư. Bác sỹ có thể cho biết các bệnh nhân đến điều trị ở bệnh viện mình thường trong tình trạng bệnh như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Bệnh viện Bạch Mai của chúng tôi là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước. Do vậy, các trang thiết bị được Bộ Y tế và Nhà nước đầu tư khá nhiều. Chúng tôi có đầy đủ các dụng cụ để chuẩn đoán cũng như điều trị bệnh ung thư vú.

Trong đó nổi bật là các xét nghiệm để sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư vú dựa vào các khám lâm sàng cũng như chụp X-Quang tuyến vú. Ở Bệnh viện Bạch Mai có máy chụp X-Quang tuyến vú của hãng Fujifilm. Đây là hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay, chỉ có hai nước ở khu vực Đông Nam Á có, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Cẩm Phương - Phó giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Với hệ thống chụp xquang tuyến vú này thì có thể phát hiện tổn thương ung thư vú từ giai đoạn rất sớm, giai đoạn vi vôi hóa, và từ đó chúng ta có thể tiến hành thăm khám, sinh tiết để phát hiện bệnh từ rất sớm.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, hàng tháng chúng tôi có khoảng 20 đến 25 trường hợp bệnh nhân được chuẩn đoán phát hiện bệnh ung thư vú. Đa số các bệnh nhân này được phát hiện ở giai đoạn sớm, chỉ khoảng 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn đã muộn, đã có các tổn thương di căn hạch cũng như các tổn thương di căn xa.

- Thưa chị Cẩm Bào, khi chị phát hiện bệnh và đi thăm khám thì bác sỹ có nói mình ở giai đoạn sớm hay muộn không?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Sau khi tôi làm các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sỹ cho tôi nhập viện, tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, lúc đó mới sinh tiết. Bác sỹ xác định tôi bị ung thư vú giai đoạn hai, có 10 trên 20 hạch di căn, ở thể độ 3 âm tính.

- Thưa bác sỹ Phương, qua theo dõi các bệnh nhân ở bệnh viện mình, chị có thể lý giải vì sao có các bệnh nhân phải giai đoạn muộn mới đi khám?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Cho đến thời điểm hiện tại, dù chúng ta có công tác truyền thông rất tốt về việc các chị em phụ nữ có thể tự khám vú sau khi sạch kinh ở phụ nữ trên 40 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ các chị em đến viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương xâm lấn ra ngoài da cũng như có các tổn thương di căn ở các tạng như tổn thương di căn xương, di căn phổi, di căn gan, thậm chí là di căn não.

Những người bệnh này dù đã sờ thấy có bất thường ở vú cách đó một hai năm nhưng ngại ngùng, thậm chí dấu chồng con, không dám đi thăm khám. Chỉ khi các tổn thương này nặng lên, gây loét, gây đau, thậm chí gây chảy máu, chảy dịch ra, người bệnh không thể chịu được nữa mới đi khám bệnh.

Tâm lý của người Việt Nam vẫn còn e ngại, dấu bệnh. Tôi rất mong qua chương trình này, bất kỳ chị em phụ nữ nào, nhất là các chị em trên 40 tuổi, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào tại vú thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chuẩn đoán và điều trị sớm.

- Thưa chị Cẩm Bào, trong nhiều năm qua điều trị ở các bệnh viện, chị thấy có khó khăn gì trong công tác điều trị không?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Với các bệnh nhân ung thư, trong điều trị có muôn vàn khó khăn. Khó khăn đầu tiên là người bệnh nhân chịu áp lực về tài chính. Đa phần họ nghe nói chữa bệnh ung thư hết vài trăm triệu đồng. Đó là điều mà tôi cũng từng chia sẻ với cộng đồng là người bệnh nhân khi mắc bệnh ung thư đầu tiên phải mua bảo hiểm y tế. Sau đó tiến hành nhập viện, đến các cơ sở chuyên khoa về ung bướu để điều trị.

Trong quá trình điều trị đương nhiên có nhiều khó khăn nhất định, đặc biệt là quá trình truyền hóa chất. Nhưng tôi nghĩ với nền y học hiện đại, đội ngũ y bác sỹ giàu kinh nghiệm và người bệnh có ý chí thì với căn bệnh ung thư, nhiều người sau khi điều trị các bước, vẫn sống được 10 đến 15 năm.

Còn nói về khó khăn trong điều trị thì không chỉ bệnh nhân ung thư mà tất cả các bệnh nhân nào khi điều trị cũng có những khó khăn.

- Thưa bác sỹ Phương, hiện nay, với sự phát triển của y học, chị có thể cho biết phương pháp chuẩn đoán sớm bệnh ung thư vú hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Đối với chị em phụ nữ thì chúng tôi cũng luôn khuyến cáo là sau khi sạch kinh, trong quá trình tắm, hoặc trước khi đi ngủ, chúng ta hoàn toàn có thể tự sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ bất thường gì thì cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như Bộ Y tế và Quỹ Ngày mai tươi sáng, hàng năm đều có chương trình tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Tôi cũng mong tất cả các phụ nữ trên 40 tuổi hàng năm đều được tầm soát các tổn thương này. Nếu như chúng ta tầm soát định kỳ bằng thăm khám lâm sàng, với các bác sỹ chuyên khoa ung bướu, cùng với sự phối hợp của chụp xquang tuyến vú để phát hiện các tổn thương vi vôi hóa thì chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện sớm được bệnh. Khi phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn được bệnh, bảo tồn được tuyến vú và đặc biệt chi phí điều trị rất thấp.

- Thưa chị Cẩm Bào, chị có nhớ là khi truyền hóa chất thì sức khỏe của chị như thế nào?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Năm 2013, sau khi tôi tiến hành cắt bỏ một bên vú, truyền 6 đợt hóa chất và xạ 25 mũi xạ trị, kết thúc ngày 19/7/2013 và trở lại công việc bình thường, thăm khám định kỳ hàng tháng theo sự chỉ định của bác sỹ tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đến tháng 2/2016 các bác sỹ chỉ xét nghiệm chuyên sâu phát hiện mình bị di căn xương chậu phải, từ đó đến nay tôi đã truyền 63 đợt hóa chất, đến nay tôi vẫn là bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội 1 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

- Thưa bác sỹ Phương, bac sỹ có thể cho biết lứa tuổi hay mắc bệnh ung thư vú?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Cho đến nay, tại Việt Nam thì trên 40% những bệnh nhân ung thư vú mới mắc từ 40-55 tuổi, thời gian trong những năm gần dây, tỷ lệ bệnh nhân ung tư vú ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, chúng tôi từng gặp bệnh nhân ung thư vú ở tuổi hơn 20, 25-30 tuổi cũng đã có những trường hợp chuẩn đoán ung thư vú. Do đó, chúng tôi cũng khuyến cáo rằng bất kỳ chị em phụ nữ nào của chúng ta cũng không lơ là, bỏ sót, hãy lắn nghe cơ thể mình, khi thấy dấu hiệu bất thường thì cần đến cơ sở y tế khám, sàng lọc và phát hiện bệnh.

- Trong nhiều chiến đấu với bệnh ung thư vú, động lực nào để chị vượt lên tất cả chiến đấu với bệnh tật?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn, nhiều biến cố. Khi gặp biến cố thì mình phải tìm ra một lối rẽ mới, trong những điều không may mắn thì phải biết hòa mình với cuộc sống. Bản thân tôi lấy gia đình làm nền tảng cố gắng vượt qua. Tôi có điều may mắn gặp được người chồng rất thương yêu mình, đó là điều tôi truyền thông điệp đến tất cả bệnh nhân, những người nhà có người mắc bệnh ung thư luôn luôn động viên, hỗ trợ và kêu gọi họ đến bệnh viện thăm khám.

Chị Trần Thị Cẩm Bào là một bệnh nhân ung thư vú đã nhiều năm.

Có một câu nói giúp cho tôi vượt qua đến tận giờ. Lúc tôi mắc bệnh con gái tôi chỉ có 5 tuổi thôi, cháu có nói rằng mong sao khi cháu đi học về cháu không tìm mẹ trên bầu trời. Tôi cũng thấy được rằng mình là một người mẹ, mình nên có trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình, tôi luôn cố gắng từng ngày tin tưởng và nền y học hiện đại và tay nghề của bác sỹ.

- Thưa bác sỹ, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú ngày càng trẻ hóa, xin bác sỹ cho thể cho biết tại sao?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Chúng tôi cũng thấy rằng tỷ lệ bệnh nhân ung thu vú hiện nay đến khám bệnh có vẻ trẻ hóa hơn, lý giải cho tình trạng này cũng có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa. Tỷ lệ trẻ hóa này không chỉ gặp ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, họ cũng đã thấy rằng nhóm tuổi mắc bệnh ung thư vú trẻ hơn. Chắc hản là do chúng ta đã có nhiều chương trình tầm soát, nhiều chương trình sàng lọc phát hiện sớm bệnh mà chúng ta phát hiện nhiều phụ mữ mắc bệnh từ giai đoạn rất sớm, từ những tổn thương vi vôi hóa, giai đoạn tiền lâm sàng, thậm chí chưa sờ thấy trên thăm khám lâm sáng nhưng trên chụp X-Quang đã có vi vôi hóa.

Với biện pháp chụp X-Quang hiện đại hiện nay có các biện pháp chụp cắt lớp tuyến vú với 2 chế độ cơ bản và phân giải cao, đồng thời chúng ta có thể sinh thiết vú định vị dưới sự hướng dẫn của chụp X-Quang tuyến vú, do vậy mà chúng ta đã sinh thiết được tổn thương rất nhỏ chỉ trên chụp X-Quang mới thấy, còn siêu âm đôi khi không phát hiện được những tổn thương này, cũng như qua thăm khám lâm sàng chúng ta chưa thể sờ thấy tổn thương này.

Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, cụ thể bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật phương pháp sinh thiết hút chân không những tổn thương vi vôi hóa, đây là phương pháp hoàn toàn có thể sinh thiết, chuẩn đoán sớm được các bênh mà trước đâu ngoài 40 tuổi mới phát hiện tổn thương vi vôi hóa đã là 1-2cm, giừo dây khối u dưới 1,5cm chúng đã đã phát hiện sớm được và ở giai đoàn sớm như vậy hoàn toàn có thể điều trị được.

- Thưa chị Cẩm Bào, nơi chị đang điều trị bệnh ung thư vú, đa phần mọi người ở độ tuổi nào nhiều hơn?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Trong 6 năm qua đến bây giờ, tỷ lệ mắc ung thư vú thật sự là trẻ hóa, việc di căn tái phát ở bệnh nhân gặp rất là nhiều. Đây là một trong những thực trạng mà tôi mong chị em chúng ta phải tầm soát.

- Bác sỹ Phương có thể cho biết, những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở chị em phụ nữ?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Đối với bênh ung thư vú, các chương trình tầm soát của chúng ta đang tập trung đến các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú như phụ nữ 40 tuổi, phụ nữ béo phì, phụ nữ hút thuốc lá, phụ nữ không mang thai, không nuôi con bú, đặc biệt là những người trong gia đình có tiền sử mẹ, dì, chị em gái mắc bệnh ung thư vú.

Trên thế giới, người ta cũng tiến đến các biện pháp xét nghiệm về gen phát hiện yếu tố nguy cơ cao là những phụ nữ mang gen BRCA1 và BRCA2. Những người có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực, phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi). Đó là những người phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, không chỉ sàng lọc trên 40 tuổi mà phải sàng lọc phát hiện sớm hơn.

- Việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ có phát hiện sớm ung thư vú hay không và phải làm thêm các xét nghiệm gì thưa bác sỹ?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Để phát hiện sớm ung thư vú thì hàng tháng sau khi sạch kinh thì phụ nữ phải tự sờ hai tuyến vú, có thể đứng nhìn trước gương và so sánh hai bên tuyến vú nếu thay đổi hình dạng, hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú, hoặc sờ thấy khối u thì lúc là đã có tổn thương rồi và chúng ta cần phải đi khám bệnh ngay.

Đến thời điểm hiện tại, tiến bộ trong chuẩn đoán ung thu vú của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và các nước trên thế giới. Chúng ta sáng lọc phát hiện sớm nhờ vào các phương tiện chuấn đoán hình ảnh là chụp X-Quang tuyến vú phát hiện bệnh từ rất sớm, thậm chí bác sỹ chưa sờ thấy khám lầm sàng đã phát hiện những tổn thương vi vôi hóa, từ những tổn thương vi vôi hóa chúng ta cần xét nghiệm sinh thiết tổn thương để đưa ra chuẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả.

- Từ quá trình đấu tranh với bệnh tật của bản thân, chị Cẩm Bào có thể chia sẻ, những kinh nghiệm gì trong điều trị bệnh ung thư vú của mình?

Chị Trần Thị Cẩm Bào:
Trong những lần tôi đi điều trị thì điều đầu tiên đối với người chưa mắc bệnh thì nên tầm soát, sàng lọc bởi vì nếu mình biết từ giai đoạn sớm, nhập viện điều trị thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thời gian, tài chính.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú rồi thì tôi xin chia sẻ bí quyết 4 chữ T của tôi. Đầu tiên, bệnh nhân phải có tinh thần, ý chí, nghị lực vươn lên trong quá trình điều trị khi mắc căn bệnh này. Chữ T thứ hai là thuốc, chứ T này cực kỳ quan trọng, nó quyết định sự sống của người bệnh nhân, phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ. Chữ T thứ 3 là thể dục, người bệnh nhân tập luyện thể dục thể thao theo sức khỏe của mình, môn thể thao mình yêu thích, phù hợp. Chữ T thứ 4 là thực phẩm, chữ T này rất quang trọng vì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để giúp cho cơ thể đảm bảo chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, lúc đấy chúng ta mới tiến hành điều trị hóa chất.

Người bệnh nhân luôn luôn kiêng ăn, ăn cái gì cũng sợ nuôi tế bào ung thư, ăn như vậy là sẽ chết, đó là quan niệm sai lầm, do đó tôi chia sẻ với tất cả những người đồng bệnh là nên ăn uống đủ dinh dưỡng, cân đối, đa dạng thực phẩm. Nếu bệnh nhân thực hiện được 4 chữ T ấy thì tôi nghĩ rằng sẽ kết thúc quá trình đều trị như chỉ định của bác sỹ, trở về có cuộc sống sinh hoạt bình thương, làm việc như người bình thường khác. Đừng quá nặng nề căn bệnh này là án tử, sắp chết, những quan điểm đó cực kỳ sai lầm.

Một điều nữa tôi cũng xin chia sẻ với các bệnh nhân là hạn chế tham gia vào các trang nhóm, câu lạc bộ, tham gia vào chữa bệnh bằng những phương pháp không chính thống, ví dụ như uốc bột giun, bột cốc, uống than trẻ, uống nanô bạc… đó là những con đường rút ngắn sự sống của mình không đáng có.

Người bệnh nhân phải hiểu được rằng nếu mình điều trị theo những phương pháp đó xảy những tác dụng phụ không mong muốn thì mình phải đi đến đâu? Mình phải đi đến bệnh viện, gặp bác sỹ để xử lý thì tại sao ngay lúc mình vào viện mình không lắng nghe lời tư vấn của bác sỹ.

Bác sỹ luôn luôn tư vấn rất đầy đủ, chỉ bệnh nhân không nghe bác sỹ thôi chứ tôi thấy bệnh viện của tôi hay K3 hay Trung tâm ung bướu bệnh viện Bạch Mai có những bác sỹ nói câu nói tôi thấy rất chạnh lòng. Mặc dù họ rất vất vả nhưng họ bảo họ không bao giờ từ chối một bệnh nhân nào cả mà bệnh nhân từ bỏ bệnh viện và bảo bệnh viện trả về mà không có bệnh viện nào trả bệnh nhân về. Đến khi có sự cố thì chạy vào, tạo ra áp lực rất lớn trong đội ngũ y bác sỹ.

Một điều nữa tôi muốn nhắc lại với tất cả các bệnh nhân là đồng bệnh với đồng bệnh mà chữa bệnh cho nhau là con đường đi đến nghĩ địa rất ngắn!

- Thưa bác sỹ Phương, bác sỹ có thể chia sẻ, hiện nay chi phí điều trị cho những bệnh nhân ung thư vú như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương:
Vâng, chia sẻ của chị Cẩm Bào là một thực tế mà người bệnh cũng cần phải trải qua trong quá trình điều trị. Đúng như nguyên tắc “4 T” của chị, là bệnh nhân hãy tin tưởng, hãy lạc quan yêu đời, hãy sử dụng các biện pháp điều trị chính thống cũng như có sự vận động thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Với chi phí để điều trị bệnh ung thư vú, tùy vào giai đoạn bệnh có liệu pháp điều trị hoàn toàn khác nhau.

Ở giai đoạn sớm thì có thể chỉ phẫu thuật bảo tồn, sau đó áp dụng các phương pháp điều trị tiếp theo như hóa trị hay xạ trị bổ trợ thì đã đạt được hiệu quả triều trị khỏi bệnh với chi phí điều trị thấp. Đa số các chi phí điều trị phẫu thuật, hóa chất, xạ trị đều được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy, nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh có báo hiểm y tế chi trả thì chi phí điều trị hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Ở giai đoạn muộn hơn thì quả thật chi phí điều trị với bệnh ung nói chung và ung thư vú nói riêng đúng là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến thời điểm hiện tại, bảo hiểm y tế cũng đã chi trả toàn bộ các kinh phí hóa chất, chỉ có chất điều trị nhắm trúng đích thì bảo hiểm y tế mới chi trả 50%.

Do đó, việc sàng lọc phát hiện sớm là việc quan trọng nhất. Nếu chúng ta phát hiện sớm thì chi phí điều trị rất thấp. Tôi tin rằng nếu được phát hiện sớm thì các trường hợp đều có thể điều trị khỏi với chi phí hoàn toàn chấp nhận được.

Cũng nên tránh tình trạng người bệnh không tin tưởng ở bác sỹ. Khi chúng tôi tư vấn, đưa ra các phác đồ điều trị thì người bệnh lại từ chối và đi điều trị bằng các biên pháp khác, mà các biện pháp này nhiều khi còn tốn kém hơn rất nhiều quá trình điều trị chính thống.

- Chị Cẩm Bào có thể chia sẻ kinh phí của mình trong quá trình điều trị như và bảo hiểm chi trả như thế nào?

Chị Trần Thị Cẩm Bào: Chi phí điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Với bản thân tôi, 6 năm qua, tôi đi điều trị, có tốn kém, nhưng không quá mức như bán nhà bán cửa, khánh kiệt. Giai đoạn đầu, tôi chi trả 80%. Một lần thanh toán hóa chất cũng từ 3 đến 4 triệu. Hóa chất này cũng phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân nữa, tôi thì cân nặng cao nên ở mức đó. Sau khi tôi điều trị xạ trị thì bảo hiểm cũng chi trả.

Đến năm 2016, khi tôi di căn tái phát, do đã có đủ 5 năm tham gia bảo hiểm, tôi được thanh toán 100%, nên có những đợt truyền hóa chất tôi chỉ đóng 20.000 đồng, có khi 15.000 đồng.

Khi ra về thì bác sỹ có kê cho mình một đơn thuốc bổ hỗ trợ. Việc đó, theo quy trình điều trị của bác sỹ, rất tốt. Thuốc cũng không phải quá đắt, bác sỹ kê theo mức mà người bệnh có thể chi trả được. Bây giờ có những thuốc nội rất tốt.

Bác sỹ kê đơn uống một tháng khoảng từ hơn một triệu đến hai triệu. Tôi nghĩ mình điều trị như vậy để đánh đổi lại sự sống thì cũng cố gắng được.

- Thưa bác sỹ Phương, với các bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm thì cơ hội phục hồi sức khỏe với họ như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương: Đối với bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm họ hoàn toàn có thể chữa khỏi. Với việc điều trị phẫu thuật bảo tồn, không phải cắt bỏ tuyến vú, thì cũng không gây ảnh hưởng về mặt tâm lý cho người bệnh.

Các biện pháp điều trị tiếp theo sau đó của họ chủ yếu là hóa chất và xạ trị. Các liệu pháp này đều được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, chi phí điều trị rất thấp.

Bệnh ung thư vú là bệnh hoàn toàn có thể sàng lọc phát hiện sớm và hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm. Vì vậy, chúng tôi rất mong quý vị và các bạn, nhất là các chị em phụ nữ, hãy quan tâm đến bản thân mình, hãy lắng nghe cơ thể mình thường xuyên, thăm khám thường xuyên. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

Hiện ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bệnh viện khác nữa đều có thể tầm soát sớm bệnh ung thư vú. Kính mời toàn thể chị em phụ nữ hay tham gia chương trình sàng lọc bệnh ung thư vú hàng năm để được tư vấn về phòng chống bệnh, cách tự khám vú cũng như được sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

- Thưa quý vị, điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác để cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc người bệnh phát hiện và điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm.

Chính vì vậy, qua các thông tin mà các chuyên gia và khách mời chia sẻ tại tọa đàm, chị em phụ nữ có thêm các kiến thức tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú.
Xin trân trọng cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Cám ơn bạn đọc đã theo dõi, gửi câu hỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục