Tọa đàm lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 23/1, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến để nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ngày 23/1, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Giải thích về lý do phải sửa đổi Hiến pháp 1992, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên nêu rõ: Việt Nam có bốn bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và Hiến pháp năm 1992). Một đặc điểm rất lớn của Việt Nam là suốt thời gian lập hiến đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy, mỗi lần đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với chính sách mới do Đảng đề ra, Việt Nam đều đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới, đã sửa đổi Cương lĩnh 1991, sửa đổi một số chính sách lớn, đòi hỏi chúng ta phải thể chế hóa Hiến pháp để thực hiện.

Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam ở giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới. Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1986, đến năm 1991, có Cương lĩnh khẳng định đường lối ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị phù hợp, do đó, Hiến pháp năm 1992 chủ yếu sửa đổi về vấn đề kinh tế, tạo bước chuyển lớn từ cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, gắn liền với đó là sửa đổi một số vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, chuyển từ cơ chế hoạt động theo nguyên tắc tập thể sang đề cao trách nhiệm cá nhân

Nhờ sự đổi mới trong Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế mà Việt Nam đạt được những thành tựu lớn trong phát triển đất nước trong 20 năm qua. Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, ngoài những thành tựu về kinh tế, công tác cải cách tư pháp, lập pháp, hành chính cũng đều đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn có nhiều vấn đề vướng mắc. Vì vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Việt Nam đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở hiến định, nhằm đẩy mạnh các cuộc cải cách trên. Đặc biệt trong Cương lĩnh 1991 được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI có đề ra chiến lược mới. Nếu như trước đây ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị thì nay đặt vấn đề đổi mới đồng bộ cả chính trị và kinh tế.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, năm 1992, khi xây dựng Hiến pháp thì hệ thống pháp luật Việt Nam còn mỏng, chỉ có 93 luật và pháp lệnh. Trong bối cảnh đó, Hiến pháp phải quy định rất nhiều điều mà lẽ ra phải giao cho luật quy định. Hiện nay, khi sửa đổi Hiến pháp 1992, Việt Nam có 330 luật, pháp lệnh, tức là hệ thống pháp luật Việt Nam đã phát triển, đủ điều kiện đổi mới kỹ thuật lập pháp theo hướng Hiến pháp quy định những vấn đề rất cơ bản, còn lại quy định trong các văn bản luật.

Trả lời câu hỏi về những nội dung cần tập trung sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh rằng phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dự thảo lần này nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan Nhà nước khác. Đó là một nội dung rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong dự thảo.

Một nội dung khác rất mới, quan trọng là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Trong chương về kinh tế, xã hội, giáo dục, môi trường... cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường... quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992. Trong quy định về bộ máy Nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước. Có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương, trong bối cảnh đất nước ta tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Cũng đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng cho biết Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này sau khi sửa đổi có 11 chương với 124 điều, giảm một chương và 23 điều; trong đó, giữ nguyên 12 điều, bổ sung, sửa đổi 101 điều, bổ sung 11 điều mới. Tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp 1992 quy định nhân dân thực hiện thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, tức là thông qua cơ chế dân chủ đại diện. Việc tổng kết thi hành Hiến pháp cho thấy quy định như thế là không đủ. Do điều 6 dự thảo bổ sung đầy đủ hơn, một là khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp với nhiều hình thức mới, không chỉ thông qua cơ quan quyền lực mà các cơ quan Nhà nước khác cũng chịu trách nhiệm cho nhân dân thực hiện. Đó là một sự thay đổi tương đối lớn, ông Liên nhấn mạnh

Dự thảo cũng khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây cũng là một điểm mới với toàn bộ dự thảo Hiến pháp tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực, ông Liên nhấn mạnh.

Giải thích rõ hơn, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết dự thảo đã xác định thẩm quyền từng cơ quan trong bộ máy, quy định mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các cơ quan. Đề cao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, quy định quyền lập hội để nhân dân tham gia kiếm soát quyền lực nhà nước; Điều 9 tiếp tục khẳng định nguyên tắc đại đoàn kết, giao cho Mặt trận Tổ quốc chức năng giám sát và phản biện xã hội với các cơ quan nhà nước. Dự thảo cũng đã thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng nếu tổ chức lấy ý kiến chỉ mang tính hình thức; công tác tập hợp, tổng hợp thông tin sửa đổi Hiến pháp không đầy đủ tức là không thực hiện đúng yêu cầu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ông Phúc cũng cho biết hiện đã có trên 40 địa phương gửi về Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Kế hoạch triển khai lấy ý kiến tại các địa phương, thành lập ban chỉ đạo ở địa phương. Chỉ trong 10 ngày (2-11/1) trên trang duthaoonline đã có gần 700 ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nếu so sánh với những lần tham gia ý kiến trước, số lượng ban đầu người dân quan tâm, tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là rất tích cực.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu khách mời cũng tham gia trả lời các câu hỏi về những nội dung được người dân quan tâm, đóng góp ý kiến; các hình thức để người dân tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp; việc tạo điểu kiện cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, các nhóm yếu thế trong xã hội tham gia vào việc góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục