Vừa qua, cuộc tọa đàm về khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, với chủ đề “Các giải pháp công nghệ cho phát triển bền vững khu vực hạ lưu sông Mekong” lần đầu tiên diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington, Mỹ.
Tham dự tọa đàm có hơn 80 đại biểu đại diện cho Đại sứ quán các nước Hạ nguồn sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chính phủ khác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Khí tượng và Hải dương, Cơ quan Địa chất, Cơ quan Viện trợ Phát triển.
Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của đại diện nhóm Những người bạn của Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), các chuyên gia, học giả hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp và nguồn nước. Đặc biệt, tham gia Tọa đàm có một số doanh nghiệp chuyên về phát triển và chuyển giao công nghệ của Mỹ và Việt Nam.
Sau phát biểu chào mừng của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, hai Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Micheal Fuchs và Jonathan Margolis đã phát biểu khai mạc tọa đàm.
Thông qua ba phiên thảo luận chuyên đề tiếp theo với tổng số 12 tham luận, Tọa đàm đã xác định những thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và an ninh lương thực từ quan điểm của các nước trong khu vực Hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là các nhu cầu về công nghệ như công nghệ giống, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ xử lý và cung cấp nước.
Tọa đàm cũng đã trao đổi cách thức cộng đồng các nhà khoa học và công nghệ đã tiếp cận và giải quyết những thách thức này, kết hợp trình diễn một số công nghệ mẫu có thể được nghiên cứu áp dụng phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp và nguồn nước ở các nước hạ lưu sông Mekong.
Để hỗ trợ cho những dự án và chương trình công nghệ, Tọa đàm cũng đã nghe những chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của một số cơ quan Chính phủ Mỹ có thể được áp dụng nhằm tạo nguồn tài chính và kênh liên kết ví dụ như Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan Thương mại và Phát triển (USTDA), Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng sự kiện lần này là một khởi đầu tốt đẹp hướng đến việc thiết lập cơ chế mở và định kỳ trong tương lai để Đại sứ quán các nước LMI, Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhóm những người bạn của LMI, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp khoa học công nghệ và cơ chế hỗ trợ để triển khai thành công nhằm phục vụ thiết thực cho phát triển bền vững của các nước khu vực hạ lưu sông Mekong./.