Tọa đàm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hồ Dzếnh - một hồn thơ sâu lắng

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận Hồ Dzếnh là một nhà văn, nhà thơ mẫu mực về nhân cách, sự nghiệp. Văn chương Hồ Dzếnh đậm tính chất hiện thực, đầy ắp thương yêu.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Lễ kỷ niệm và tọa đàm 100 năm sinh nhà thơ Hồ Dzếnh được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình Nhà thơ tổ chức trang trọng tại Hà Nội ngày 29/11.

Sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh nhân cách, những sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Hồ Dzếnh, tiếp tục sưu tầm các sáng tác của ông để có được công trình toàn diện, tổng thể về cuộc đời, sự nghiệp, con người nhà thơ.

Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (1916-1991). Thủa nhỏ, ông học tiểu học ở Thanh Hóa, sau đó ra Hà Nội học hết bậc Trung học. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học, làm công cho các hiệu buôn người Hoa. Mang trong mình hai dòng máu Việt, Hoa nhưng hồn thơ Hồ Dzếnh bắt nguồn từ những cảm xúc về quê ngoại - Việt Nam.

Tham dự sự kiện, các đại biểu đều thống nhất rằng: Nhà thơ, nhà văn Hồ Dzếnh là cây bút toàn diện, hội viên sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Hồ Dzếnh đã có sáng tác đầu tiên năm 1937; những tác phẩm của ông được bạn đọc đương thời yêu thích. Đặc biệt, thơ ông đến nay dường như vẫn tươi mới, gần gũi, nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy ám ảnh.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, người từng có nhiều bài viết nghiên cứu sâu sắc về thơ văn Hồ Dzếnh chia sẻ, với tập văn “Chân trời cũ” và tập thơ “Quê ngoại,” Hồ Dzếnh đã có một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam trước cách mạng. Ở cả thơ lẫn truyện, người ta dễ dàng nhận ra Hồ Dzếnh - một tâm hồn giàu cảm xúc, tràn ngập yêu thương, trắc ẩn, gắn bó với những phận người hẩm hưu, nghèo khổ trong xã hội cũ. Hồ Dzếnh viết không nhiều, nhưng ai có may mắn đọc một bài thơ, một truyện ngắn của ông chắc chắn sẽ giữ mãi ấn tượng về ông. Văn và thơ ông có cái ma lực ngân nga rất lâu trong tâm chí người đọc. Cái ma lực ấy do chính cái chất tâm hồn ông tạo nên.

Đọc thơ Hồ Dzếnh, tiến sỹ Đỗ Thị Thu Huyền chia sẻ đầy xúc cảm: "Thơ ông như bức tranh dang dở, những cảm xúc ngập ngừng và được vẽ bởi sắc màu bảng lảng. Nếu như Đường thi của ông nhiều trầm lắng, suy tư thì Lục bát lại mang đến những tấm lòng u hoài, buồn nhẹ mà không kém phần thiết tha với cuộc sống ăm ắp tình." 

Những ngày đầu cầm bút, Hồ Dzếnh không có ý định thành nhà văn. Truyện ngắn của ông là truyện trữ tình, nhân vật chính xuyên qua tất cả các các câu chuyện là tác giả.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Khánh Thơ nhận định văn xuôi của Hồ Dzếnh đã thực sự mở rộng khả năng của truyện ngắn trữ tình. Phá bỏ cái khung chật hẹp của thể loại, đưa vào đó khả năng tối ưu của sự tự biểu hiện, ông đã tạo nên sự giao thoa, tiếp nối giữa thơ và truyện. Với bút pháp nghệ thuật trữ tình tinh tế cùng với số phận và nhân thân đặc biệt của mình, Hồ Dzếnh đã tạo được một dấu ấn riêng trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945.

Cùng chung quan điểm đó, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận Hồ Dzếnh là sự hòa hợp của hai dòng máu, hai hồn thơ Trung Hoa-Việt Nam. Ông là một nhà văn, nhà thơ mẫu mực về nhân cách, sự nghiệp. Văn chương Hồ Dzếnh đậm tính chất hiện thực, đầy ắp thương yêu, nhiều chấn động của tâm hồn, của sự sẻ chia. Ông có đóng góp nhiều cho sự phát triển dòng văn học cách mạng Việt Nam. Hồ Dzếnh xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội đang phối hợp với gia đình Nhà thơ xem xét xây dựng bộ sách toàn tập về Hồ Dzếnh để giúp các thế hệ sau có cơ sở tôn vinh, nghiên cứu về nhà thơ lớn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục