Thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil, ông Alexandre de Moraes, ngày 20/3 đã đảo ngược phán quyết cấm ứng dụng nhắn tin Telegram được ông đưa ra trước đó 2 ngày.
Trong một tuyên bố, Thẩm phán Moraes nêu rõ xét thấy Telegram đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu thay đổi mà tòa án đưa ra, ông đã quyết định thu hồi quyết định đình chỉ hoàn toàn hoạt động của Telegram ở Brazil.
Trước đó, hôm 18/3, Thẩm phán Moraes đã ra quyết định chặn việc sử dụng Telegram ở nước này theo đề nghị của cảnh sát liên bang, do ứng dụng nhắn tin này không tuân thủ các yêu cầu của chính quyền, cũng như không dỡ bỏ các tin nhắn chứa thông tin sai lệch.
Sau phán quyết trên, nhà sáng lập Telegram Pavel Durov đã gửi lời xin lỗi Tòa án Tối cao, đồng thời cho biết đã xảy ra “vấn đề liên lạc” mà ông cho là do email thất lạc.
[Tin tặc đánh sập hệ thống thông tin tiêm chủng của Brazil]
Theo ông, việc thiếu hợp tác mà tòa nhận định là do sự cố nội bộ công ty khi Telegram không có đại diện pháp lý ở Brazil. Do đó, nhà sáng lập Telegram đã đề nghị tòa án hoãn thực thi quyết định trên để ứng dụng này có thời gian chỉ định một đại diện tại Brazil và cải thiện việc liên lạc với tòa.
Ngày 19/3, Thẩm phán Moraes đã đặt thời hạn cho Telegram trong vòng 24 giờ phải tiến hành các thay đổi. Sau đó 1 ngày, ông cho biết công ty công nghệ này đã thông báo việc áp dụng một số biện pháp chống thông tin sai lệch, trong đó có việc giám sát khoảng 100 kênh phổ biến ở Brazil, cũng như gắn thẻ các bài đăng gây hiểu lầm, thúc đẩy các thông tin đã được kiểm chứng, hạn chế một số tài khoản phát tán thông tin sai lệch.
Gần đây, Tòa án Bầu cử Cấp cao (TSE) của Brazil cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, WhatsApp, YouTube, Twitter và Instagram để ngăn chặn việc lan truyền tin tức và thông tin sai lệch trong chiến dịch bầu cử./.