Tòa án Tối cao Anh xem xét kháng cáo về việc khởi động Brexit

Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ 11 thành viên Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao Anh, sẽ họp bàn và ra phán quyết về việc liệu Chính phủ Anh có quyền khởi động Brexit hay không.
Tòa án Tối cao Anh xem xét kháng cáo về việc khởi động Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: FirmPalace.com)

Ngày 5/12, Tòa án Tối cao Anh bắt đầu phiên điều trần kéo dài 4 ngày để xem xét kháng cáo của Chính phủ Anh đối với phán quyết của Tòa Thượng thẩm nước này hôm 3/11, rằng việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động các cuộc đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), phải được Quốc hội thông qua.

Đây được coi là một trong những phiên điều trần liên quan đến Hiến pháp quan trọng nhất tại Anh. Toàn bộ quá trình điều trần tại Tòa án Tối cao sẽ được truyền hình trực tiếp và quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào đầu Năm Mới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ 11 thành viên Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao Anh, do ông Lord David Neuberger đứng đầu, sẽ họp bàn và ra phán quyết về việc liệu Chính phủ Anh có quyền khởi động Brexit, gọi tắt của việc Anh rời EU, mà không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội hay không. Hai vấn đề pháp lý chủ chốt được tất cả các bên quan tâm tại phiên điều trần ở Tòa án tối cao Anh là liệu có thể rút lại Điều 50 này một khi nó được kích hoạt và Tòa sẽ ra quyết định ra sao về việc xứ Wales và Scotland yêu cầu được quyền tham gia quyết định kích hoạt Điều 50.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ khởi động tiến trình rời EU trước cuối tháng 3/2017, một lộ trình dự kiến kéo dài 2 năm, theo đó Anh sẽ chia tay liên minh này vào Hè năm 2019. Tuy nhiên, Tòa Thượng thẩm Anh ngày 3/11 đã ra phán quyết rằng cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ngày 23/6 chỉ mang tính chất tham khảo và việc kích hoạt Điều 50 cần được Quốc hội thông qua.

Dư luận cho rằng nếu Tòa án Tối cao Anh giữ nguyên phán quyết trước đó của Tòa Thượng thẩm, kế hoạch khởi động đàm phán rời liên minh của bà May có thể bị chậm lại vài tháng. Trước khi diễn ra phiên điều trần này, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh có lẽ sẽ chỉ làm chậm tiến trình Brexit mà thôi. Theo họ, trong trường hợp Tòa án Tối cao giữ nguyên phán quyết của Tòa Thượng thẩm, các nghị sỹ Quốc hội cũng sẽ tán thành việc kích hoạt Điều 50, song có thể bị chậm lại đôi chút, do việc phê chuẩn này đòi hỏi trải qua một quy trình tại Quốc hội, trong đó có thể kéo theo một số sửa đổi hoặc bổ sung về mặt pháp chế, liên quan đến Brexit.

Bên cạnh đó, với việc Quốc hội tham gia quá trình tham vấn và ra quyết định kích hoạt Điều 50, người ta hy vọng rằng Chính phủ của bà May sẽ đưa ra một lập trường Brexit mềm mại hơn, theo đó Anh vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với EU, đồng thời thực thi một chính sách nhập cư cởi mở hơn. Nhờ vậy, nước Anh có thể tránh được kết cục Brexit “cứng,” một kịch bản mà khi "chia tay" EU, Anh cũng sẽ rời Khu vực Thị trường chung châu Âu và Liên minh Thuế quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục