Ngày 21/11, Tòa án quận Tokyo tại Nhật Bản đã chấp thuận khuyến nghị của các công tố viên nước này về việc kéo dài lệnh giam giữ Chủ tịch Nissan Motors Carlos Ghosn, vốn bị bắt giữ trước đó, thêm 10 ngày nữa.
Theo hãng thông tấn Kyodo, tòa án trên cũng ra phán quyết tương tự đối với trường hợp của Giám đốc đại diện của Nissan Motors Greg Kelly, một phụ tá thân cận của ông Ghosn. Ông này đã bị bắt giữ vì bị nghi đồng lõa với Chủ tịch Ghosn.
Trước đó, ông Ghosn đã bị các công tố viên Nhật Bản bắt giữ và thẩm vấn vào ngày 19/11 với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của nước này, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập của bản thân.
Ông Ghosn bị tình nghi báo cáo thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen (tương đương 44 triệu USD) trong vòng 5 năm (từ năm 2011). Nếu như bị kết luận có tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (tương đương 88.617 USD).
[Cổ phiếu Nissan giảm mạnh sau khi Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt]
Cùng ngày, một nguồn thạo tin cho hay Chủ tịch Ghosn, vốn được coi là một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ôtô, bị tình nghi không khai báo đầy đủ trong báo cáo chứng khoán hàng năm của hãng này về khoản thu nhập thêm lên tới 100 triệu yen (gần 900.000 USD) từ một chi nhánh Nissan ở Hà Lan. Nguồn tin này cho biết thêm các công tố viên tại Tokyo cũng nghi ngờ chi nhánh trên có vai trò "nòng cốt" trong vụ bê bối tài chính của Nissan Motors và chính hàng sản xuất ô tô này đã không đề cập trong các báo cáo tài chính về khoản thu nhập của Chủ tịch Ghosn từ việc cổ phiếu tăng giá.
Trước bối cảnh đó, Nhật Bản khẳng định sẵn sàng hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo sự ổn định của liên minh Renault-Nissan. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cùng ngày nhấn mạnh liên minh Renault-Nissan được coi là biểu tượng của sự thành công trong hợp tác giữa Pháp và Nhật Bản, do vậy Tokyo tiếp tục hỗ trợ mối quan hệ này.
Ông Suga cũng kêu gọi duy trì sự ổn định của mối quan hệ giữa ba hãng sản xuất ôtô là Nissan Motors, Mitsubishi Motors, và Renault. Trong khi đó, Chính phủ Pháp, cổ đông lớn nhất của hãng Renault, tuyên bố việc duy trì liên minh ba hãng xe trên mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tờ Asashi của Nhật Bản dẫn các nguồn tin cho rằng các công tố viên nước này đã cân nhắc khởi tố hãng chế tạo xe Nissan Motors, bởi hãng này cũng phải chịu trách nhiệm trong việc ông Ghosn không thông báo đầy đủ thu nhập cá nhân.
Trong phiên giao dịch ngày 21/11, cổ phiếu của hãng Nissan Motors đã khôi phục chút ít, tăng 0,8% sau khi giảm 6% một ngày trước đó liên quan đến vụ bê bối tài chính trên. Trong khi đó, cổ phiếu của Mitsubishi Motors tiếp tục giảm 0,6% sau khi sụt gần 7% trong phiên giao dịch ngày 20/11.
Ông Carlos Ghosn (mang ba quốc tịch Pháp, Brazil và Liban) được xem là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc giúp hãng Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubisi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Ghosn gia nhập hãng Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển lỗ thành lãi nhờ chính sách cắt giảm mạnh tay. Ba năm sau, ông đảm nhiệm vai trò CEO của Nissan trong bối cảnh hãng này đứng bên bờ vực phá sản. Liên minh Renault-Nissan từ đó cũng ra đời.
Tháng 4/2016, CEO Mitsubishi Motors Osamu Masuko đề nghị ông Ghosn hồi sinh hãng xe sau bê bối nhiên liệu. Ông này sau đó đã quyết định thâu tóm 34% cổ phần Mitsubishi để trở thành cổ đông lớn nhất. Sau thương vụ trên, Mitsubishi cũng chính thức gia nhập liên minh Renault-Nissan./.