Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ngày 15/10 ra phán quyết cho rằng chính trị gia người Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek có quyền phủ nhận vụ thảm sát người Armenia do Đế chế Ottoman (tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) gây ra hồi năm 1915 là "tội diệt chủng."
Theo phán quyết của ECHR, việc ông Dogu Perincek đưa ra những bình luận cho rằng "vụ diệt chủng người Armenia là một sự lừa dối lớn đối với cộng đồng quốc tế" không nhằm công kích cộng đồng người Armenia và do vậy ông này không thể bị kết tội phân biệt chủng tộc như một tòa án Thụy Sĩ đã tuyên.
Năm 2007, một tòa án Thụy Sĩ đã kết án và xử ông Perincek vì tội phân biệt chủng tộc khi có những phát ngôn cho rằng vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát người Armenia trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất không phải là "hành động diệt chủng." Theo phán quyết mới của ECHR, bản án của tòa án Thụy Sĩ đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của ông Perincek.
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, người Armenia là dân tộc thiểu số của đế chế Ottoman với số lượng khoảng 2,5 triệu người chủ yếu theo Công giáo. Theo ước tính, trong giai đoạn 1915-1916, khoảng từ 200.000-1,5 triệu người Armenia đã bị Đế chế Ottoman tàn sát, nhiều người bị buộc phải cải đạo sang đạo Hồi.
Vụ thảm sát người Armenia đến nay vẫn gây căng thẳng giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận đây là tội ác diệt chủng.
Cho đến nay, hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Pháp và Nga, đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần xin lỗi người Armenia, nhưng không chấp nhận coi đây là hành động diệt chủng bất chấp Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận tội ác này./.