Tòa án EU phán quyết Anh và Gibraltar có thể được coi là 1 thành viên

Tòa án tối cao của EU đã ra phán quyết rằng nước Anh và vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar có thể được coi chung là một thành viên của EU theo một số khía cạnh của luật pháp EU.
(Nguồn: wordpress.com)

Tòa án tối cao của Liên minh châu Âu (EU) đã ra phán quyết rằng nước Anh và vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar có thể được coi chung là một thành viên của EU theo một số khía cạnh của luật pháp EU.

Phán quyết trên có thể làm phức tạp thêm vị thế tương lai của vùng lãnh thổ này sau khi nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

Tòa án Tư pháp châu Âu đã được yêu cầu đưa ra phán quyết liên quan đến tranh chấp giữa Hiệp hội Cược và đánh bạc Gibraltar và các cơ quan thuế của Anh sau khi một luật Anh năm 2014 yêu cầu các công ty quản lý sòng bạc phải trả một khoản thuế cho những khoản cược của người chơi là người Anh.

[Hải quân Anh bắn pháo sáng cảnh cáo tàu Tây Ban Nha gần Gibraltar]

Hiệp hội cờ bạc, đại diện cho các nhà quản lý sòng bạc có trụ sở tại Gibraltar, lập luận rằng sự thay đổi luật này dẫn đến việc đánh thuế hai lần và vi phạm luật EU về đảm bảo quyền tự do cung cấp các dịch vụ trên toàn khối.

Do đó, một tòa án Anh đã yêu cầu tòa án EU phán quyết xem Gibraltar và Anh có bị coi chung là một nước thành viên EU không từ đó xác định việc áp dụng luật của EU.

Trong phán quyết, tòa án EU cho rằng Gibraltar không phải là một phần của Vương quốc Anh, nhưng thương mại giữa hai bên không giống như thương mại giữa các nước thành viên EU riêng biệt vì mối quan hệ của họ. Theo đó, điều khoản dịch vụ của các nhà cung cấp ở Gibraltar được thành lập theo luật pháp Anh.

Như vậy, theo luật pháp EU, tình huống này bị giới hạn trong một nước thành viên. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án EU cũng nhấn mạnh kết luận này không nên được hiểu là làm giảm tính chất riêng biệt và khác biệt của vùng lãnh thổ Gibraltar.

Gibraltar là chủ đề gây tranh cãi từ lâu giữa Anh và Tây Ban Nha. Khu vực này nằm ở phía Nam Tây Ban Nha, với dân số khoảng 32.000 người song lại nằm cách xa lãnh thổ của Anh.

Khi Anh còn là thành viên EU, EU có thể dễ dàng coi đây là vùng lãnh thổ của khối, song Brexit lại khiến vấn đề này trở nên phức tạp và khó xử hơn.

Trong hai cuộc trưng cầu hồi năm 1967 và 2002, người dân vùng lãnh thổ hải ngoại này đều mong muốn thuộc về Anh, phản đối việc chia sẻ chủ quyền với Tây Ban Nha, song họ hoàn toàn không đồng tình với Brexit.

Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ nếu EU áp dụng mọi thỏa thuận ký kết với Anh cho Gibraltar, vô hình trung họ sẽ công nhận vùng đất này thuộc về Anh. Khi đó, Tây Ban Nha có thể sẽ phản đối bằng cách phủ quyết mọi kết quả đàm phán mà EU đạt được với Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục