Việc Cục Tình báo nước ngoài (BND) Đức tiến hành các phương thức do thám dữ liệu Internet của người nước ngoài không ở Đức như hiện nay là vi phạm Luật Cơ bản, tức Hiến pháp Đức. Đây là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức đưa ra ngày 19/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp ở Karlsruhe nêu rõ phương thức thu thập thông tin hiện nay của BND vi phạm quyền bí mật riêng tư trong viễn thông và tự do báo chí, yêu cầu các nhà hoạch định phải tiếp tục sửa đổi luật BND, có hiệu lực từ năm 2017, cũng như yêu cầu tới cuối năm 2021, chính phủ và quốc hội phải thay đổi phương thức hoạt động của BND cho phù hợp với Hiến pháp.
Tòa án Hiến pháp nhấn mạnh các quyền cơ bản của Đức như tự do báo chí và bí mật viễn thông không chỉ là các quyền cơ bản của riêng người Đức mà cũng là quyền của người nước ngoài ở hải ngoại.
Ngoài ra, hành động do thám Internet của BND đã đi quá xa, không giới hạn mục đích cụ thể và thiếu các điều kiện bảo vệ.
Bên cạnh đó, việc BND chuyển tiếp dữ liệu thu được cho các cơ quan tình báo khác cũng phải được quy định chặt chẽ hơn.
[Đức khai trương cơ sở đào tạo nghiệp vụ tình báo tại Berlin]
Đây là lần đầu tiên Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết rõ ràng yêu cầu BND phải tôn trọng các quyền cơ bản theo Hiến pháp, ngay cả khi các hoạt động thu thập thông tin được tiến hành bên ngoài nước Đức.
Trong số các hoạt động này của BND có việc theo dõi việc sử dụng các từ khóa, số điện thoại, địa chỉ email và chia sẻ thông tin thu được với các cơ quan tình báo khác.
Liên quan tới đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 20/5, Chính phủ Đức đã thông qua các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc nước ngoài thâu tóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung dược phẩm và vật tư y tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Quy định mới sẽ cho phép Chính phủ Đức ngăn chặn việc các tập đoàn nước ngoài kiểm soát các công ty sản xuất vắcxin, các tiền hóa chất, dược phẩm, thiết bị bảo hộ hoặc máy y tế, như máy trợ thở.
Chính phủ được phép kiểm tra mọi yếu tố về an ninh khi một đối tượng ngoài Liên minh châu Âu nắm giữ trên 10% cổ phần của các công ty y tế, thay vì mức quy định cho đến nay là 25%./.