Tòa án Đức cấm Uber hoạt động do vi phạm luật cạnh tranh

Các thẩm phán tại tòa cho biết mô hình kinh doanh của Uber, chủ yếu dựa vào việc sử dụng các phương tiện từ nhiều công ty cho thuê xe ôtô địa phương ở Đức, đã vi phạm một số luật chống cạnh tranh.
Ứng dụng Uber trên điện thoại di động. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 19/12, tòa án thành phố Frankfurt của Đức đã ban hành lệnh cấm Công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ Uber sử dụng phương tiện từ các công ty cho thuê xe để cung cấp các chuyến đi cho khách hàng với lý do không đủ giấy phép.

Lệnh cấm trên theo phán quyết của tòa sẽ có hiệu lực ngay lập tức, song vẫn có thể được kháng cáo.

Các thẩm phán tại tòa cho biết mô hình kinh doanh của Uber, chủ yếu dựa vào việc sử dụng các phương tiện từ nhiều công ty cho thuê xe ôtô địa phương ở Đức, đã vi phạm một số luật chống cạnh tranh.

Các thẩm phán cho rằng Uber cần có giấy phép cho thuê xe riêng vì đây không chỉ đơn thuần là sự kết nối giữa những người lái xe với khách hàng sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Tòa án Frankfurt cũng cáo buộc Uber "không giám sát và kiểm tra đầy đủ" thông tin các công ty cho thuê xe mà Uber hợp tác, đồng thời lưu ý rằng không phải các lái xe đều quay về trụ sở chính giữa các chuyến đi đúng theo yêu cầu.

[Uber đồng ý bồi thường những khách hàng bị quấy rối tình dục]

Ngay sau khi được ban hành, lệnh cấm trên đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Hiệp hội taxi liên bang.

Phán quyết của Tòa án Frankfurt một lần nữa khẳng định hệ thống dịch vụ của Uber là bất hợp pháp ở Đức.

Trước đó vào năm 2015, một tòa án khác của Đức cũng đã ra phán quyết cấm các lái xe nghiệp dư cung cấp các chuyến đi bằng xe riêng cá nhân. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hoạt động của Uber.

Tuy nhiên, phía công ty Uber cho biết sẽ vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thông qua các nhà thầu độc lập bằng Uber Taxi.

Đại diện công ty Uber nhấn mạnh các khách hàng vẫn có thể sử dụng ứng dụng gọi xe, đồng thời cho biết công ty sẽ xem xét thực hiện một số thay đổi trong mô hình kinh doanh để tuân theo phán quyết của tòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục