Tòa án Đức bác đơn kiện chương trình thu mua trái phiếu của ECB

Chương trình PSPP của ECB trị giá 2.400 tỷ euro (tương đương 2.900 tỷ USD), được khởi động vào đầu năm 2015 nhằm kích thích nền kinh tế và chống lạm phát.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Hiến pháp liên bang Đức ngày 18/5 đã bác đơn kiện chống lại chương trình thu mua trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trị giá hàng tỷ euro, mở đường để ngân hàng này có thêm biện pháp kích thích nền kinh tế khu vực một khi các biện pháp khẩn cấp hiện nay kết thúc.

Theo phán quyết, việc thu mua trái phiếu chính phủ của ECB có tên gọi Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) là phù hợp.

Phán quyết nhấn mạnh đơn kiện không có cơ sở do Chính phủ liên bang và Quốc hội Đức đã thẩm định một cách cơ bản các quyết định liên quan chính sách tiền tệ của ECB, trong đó có đánh giá về tính phù hợp.

Chương trình PSPP của ECB trị giá 2.400 tỷ euro (tương đương 2.900 tỷ USD), được khởi động vào đầu năm 2015 nhằm kích thích nền kinh tế và chống lạm phát.

Tháng 5/2020, các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp liên bang ở Karlsruhe đã ra phán quyết coi chương trình PSPP này có phần vi hiến và yêu cầu các cơ quan quản lý tiền tệ phải chứng minh sự phù hợp của các giao dịch thu mua. Nếu không, ngân hàng trung ương Đức Bundesbank sẽ bị cấm tham gia PSPP.

[Ngân hàng Trung ương châu Âu duy trì lãi suất thấp kỷ lục]

Hội đồng Thống đốc ECB sau đó đã gửi các tài liệu liên quan cho Chính phủ liên bang và Quốc hội Đức nhằm chứng minh sự phù hợp. Tuy nhiên, các nguyên đơn - gồm cựu chính trị gia đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Peter Gauweiler và người sáng lập đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) Bernd Lucke, tiếp tục khiếu kiện, cho rằng chương trình của ECB là không phù hợp.

Khi chương trình PSPP đã được giải quyết, ECB vẫn đang vướng vào một vụ kiện khác liên quan tới Chương trình Mua hàng Khẩn cấp vì Đại dịch (PEPP) được đưa ra trong đại dịch COVID-19.

Một nhóm các nhà kinh tế và luật sư đã kiện chương trình này, vốn được khởi động vào tháng 3/2020 để giảm thiểu hậu quả kinh tế do khủng hoảng COVID-19. Khác với chương trình PSPP trước đó, ECB dành nhiều sự linh hoạt hơn trong chương trình PEPP, với quy mô 1.850 tỷ euro (2.210 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục