Tòa án cao cấp Nam Phi ra phán quyết cấm xuất khẩu xương sư tử

Chủ tọa phiên tòa Jody Kollapen tuyên bố hạn ngạch xuất khẩu 800 bộ xương sư tử năm 2017 và 1.500 bộ xương sư tử năm 2018 do cố Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa đưa ra là bất hợp pháp.
Tòa án cao cấp Nam Phi ra phán quyết cấm xuất khẩu xương sư tử ảnh 1Sư tử Nam Phi. (Nguồn: thepetitionsite.com)

Tòa án Cao cấp Gauteng (Nam Phi) vừa ra phán quyết bác bỏ quyết định cấp hạn ngạch xương sư tử xuất khẩu, được cố Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa đưa ra vào các năm 2017 và 2018.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, Chủ tọa phiên tòa Jody Kollapen tuyên bố hạn ngạch xuất khẩu 800 bộ xương sư tử năm 2017 và 1.500 bộ xương sư tử năm 2018 là bất hợp pháp và xét theo quy định của Hiến pháp Nam Phi là không hợp lệ.

Phán quyết cũng bác bỏ quan điểm “quản lý linh loạt” đối với các loài động vật hoang dã không cần quan tâm tới với đề đạo đức.

Bên nguyên đơn là Tổ chức Xã hội phòng chống ngược đãi động vật (SPCA) Nam Phi và bị đơn là Bộ Môi trường và Hiệp hội Động vật ăn thịt Nam Phi (SAPA).

[Ấn Độ đạt 'thành tựu lịch sử' trong bảo tồn, phát triển loài hổ]

Thẩm phán Kollapen đánh giá việc cấp hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử có nguồn gốc nuôi nhốt vào các năm 2017 và 2018 là sự việc đã rồi và không thể hồi tố.

Do đó, phán quyết ngày 6/8 của Tòa án Cao cấp Gauteng sẽ chỉ liên quan việc cân nhắc cấp hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù SPCA phản đối mọi quyết định xuất khẩu xương sư tử, tổ chức này vẫn đề nghị Chính phủ Nam Phi tham khảo ý kiến các bên liên quan, đưa ra căn cứ ban hành mức hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử có nguồn gốc nuôi nhốt.

Dự kiến, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống, bà Barbara Creecy sẽ quyết định hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử có nguồn gốc từ nuôi nhốt đối với năm 2019.

Thẩm phán Kollapen đã đưa ra bản án toàn diện, đề cập tới tất cả các vấn đề liên quan trong vụ việc, trong đó chỉ trích chính phủ thiếu cân nhắc đối với các vấn đề phúc lợi của động vật khi quyết định hạn ngạch xuất khẩu.

Theo ông Kollapen, quyết định cấp hạn ngạch xuất khẩu xương sư tử là điều phi lý và đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp về phúc lợi của động vật, nhất là quy định tại Điều 24 của Hiến pháp Nam Phi về quyền của người dân đối với môi trường an toàn, khỏe mạnh, bền vững cho hiện tại và tương lai.

Thanh tra về động vật hoang dã của SPCA Nam Phi Karen Trendler đánh giá phán quyết trên của Tòa án Cao cấp Gauteng có ý nghĩa rất lớn đối với loài sư tử nói riêng và phúc lợi của động vật nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục