Ngày 11/6, Tòa án Tối cao Liên bang Brazil (STF) - cơ quan tư pháp tối cao của quốc gia Nam Mỹ này, đã mở lại cuộc thảo luận về yêu cầu phóng thích cựu Tổng thống Lula da Silva, vào thời điểm cổng thông tin The Intercept vừa tiết lộ các thông tin khẳng định tính thiếu khách quan trong quá trình điều tra và kết án sơ thẩm chính trị gia cánh tả uy tín này.
STF trước đó đã ấn định lịch tiếp tục thảo luận yêu cầu áp dụng nguyên tắc "đình quyền giam giữ" (habeas corpus) mà phía luật sự biện hộ của ông Lula đã đệ trình. Cho tới trước khi tạm nghỉ, đã có hai thành viên bồi thẩm đoàn phản bác yêu cầu này, nhưng theo luật Brazil, các thành viên bồi thẩm có thể thay đổi quyết định của mình trong quá trình tranh luận.
Ông Lula, 73 tuổi, đang thụ án tù 8 năm 10 tháng do "giả định là người trục lợi" một căn hộ tại bãi biển bang Sao Paulo của một nhà thầu xây dựng để đổi lấy một hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí nhà nước Petrobras. Quá trình tố tụng và ra phán quyết của vụ án này diễn ra vào đúng thời điểm nhà lãnh đạo cánh tả đang dẫn đầu mọi cuộc thăm dò trong cuộc tranh cử chức tổng thống hồi giữa năm ngoái.
[Tòa án Brazil giảm án tù cho cựu Tổng thống Lula da Silva]
Những tiết lộ mới của The Intercept cho thấy Chánh án chiến dịch chống tham nhũng này khi đó, ông Sergio Moro - hiện là Bộ trưởng Tư pháp, và công tố viên liên bang Dallaghol, cũng như giữa ông này và các đồng nghiệp phụ trách điều tra vụ án trong khoảng thời gian 2015-2018, đã có ý đồ kết án tham nhũng cho ông Lula từ trước bất chấp thực tế không có bằng chứng trực tiếp.
The Intercept khẳng định vẫn còn "kho tư liệu khổng lồ" về vụ việc này và nội dung đã công bố mới chỉ là "một phần nhỏ."
Người đồng sáng lập The Intercept, Glenn Greenwald, chính là người đã công bố năm 2013 các tài liệu mật mà Edward Snowden thu giữ được về các chương trình giám sát diện rộng của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Hiện Hội đồng quốc gia của Bộ Công cộng (Nội vụ) Brazil đã mở cuộc điều tra nội bộ về các công tố viên nói trên lẫn Bộ trưởng Moro về khả năng cố ý sai phạm trong chức trách.
Sau tiết lộ của The Intercept, đã xuất hiện một làn sóng cả trong và ngoài Brazil đòi lại tự do và công bằng cho cựu Tổng thống Lula./.