Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về việc biên soạn, quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị để làm tốt hơn.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 8/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, tình hình thực hiện đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Tổ công tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau cuộc làm việc thứ nhất vào ngày 28/3/2018.

Tại cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành đã phản ứng kịp thời, sáng tạo khi chuyển sang học trực tuyến với nhiều phương thức giảng dạy, học tập, thi cử linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm hoạt động giảng dạy không bị ngưng trệ, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, khung thời gian đào tạo, nội dung chương trình được điều chỉnh phù hợp. Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông làm 2 đợt, thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ. Kỳ thi được tổ chức tốt, bảo đảm an toàn, hiệu quả, giảm tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ngày càng được hoàn thiện. Từ năm 2016 đến nay, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội 2 luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Nghị định, 43 Quyết định và Chỉ thị...

Việc thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tạo chuyển biến, chất lượng giáo dục phổ thông, đại trà và mũi nhọn được nâng lên; mạng lưới cơ sở đào tạo được mở rộng ở các cấp; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; quan tâm phát triển giáo dục tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; tự chủ đại học đã đạt những kết quả bước đầu.

Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; 11 trường đại học vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á; 2 trường đại học của Việt Nam lọt trong top 101-150 bảng xếp hạng thế giới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng mặc dù có nhiều điểm sáng được đánh giá cao nhưng mong muốn của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với ngành còn lớn hơn nữa.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trong đó có việc còn tồn đọng 7 nhiệm vụ chưa thực hiện. Bên cạnh đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, cán bộ quản lý giáo dục tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp...

Bộ cũng cần quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi; một bộ phận học sinh, sinh viên có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống.

Về việc biên soạn, quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập, Tổ công tác đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị để làm tốt hơn.

[Tổ chức cho giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6]

Liên quan đến công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đối với việc cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đồng bộ khoảng 2.000 hồ sơ. Vì vậy, Bộ cần triển khai mạnh mẽ hơn việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 12. Vì vậy, Tổ công tác mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai để là Bộ tiên phong, đi đầu về cải cách, không để nhiệm vụ nào quá hạn, không hoàn thành.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết năm 2020 là năm đặc biệt với ngành do tác động của dịch COVID-19, bão lũ ở khu vực miền Trung. Vì vậy, bên cạnh kế hoạch đặt ra, ngành giáo dục-đào tạo có rất nhiều nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, Bộ sẽ quyết tâm để hoàn thành các công việc theo kế hoạch.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ảnh 2Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác phát biểu trong buổi làm việc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là nội dung được ngành chú trọng, nhận thức rõ cùng quyết tâm cao. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không chỉ thực hiện nhiệm vụ của ngành, của Bộ, mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ còn chưa thực hiện, những hạn chế còn tồn tại; rà soát các thủ tục hành chính, cơ cấu lại theo hướng số hóa; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành giáo dục, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm mang lại lợi ích cho chính học sinh, phụ huynh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục