Ngày 7/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Sierra Leone đã thoát khỏi dịch Ebola.
Theo WHO, một quốc gia được coi là hết virus Ebola khi không có trường hợp nhiễm bệnh mới sau 21 ngày. Từ ngày 25/9 đến này, Sierra Leone đã không phát hiện trường hợp nào xét nghiệm âm tính với virus Ebola.
Cách đây 3 tuần, WHO cũng đã ra tuyên bố tương tự với nước láng giềng Liberia. Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm quốc gia đối phó với Ebola Palo Conteh cho biết ba nước Tây Phi, nhất là Sierra Leone, vẫn cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt tập trung theo dõi, giám sát những đối tượng và khu vực có nguy cơ cao vì virus Ebola có thể tái bùng phát khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Ngân hàng thế giới (WB) ước tính dịch Ebola đã gây thiệt hại ít nhất 1,4 tỷ USD cho Sierra Leone, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Tây Phi này giảm 20% so với trước khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát vào cuối năm 2013.
Kể từ khi Ebola bùng phát tại khu vực miền Nam Guinea tháng 12/2013, hơn 28.000 người đã nhiễm bệnh và 11.300 người đã tử vong, chủ yếu ở ba nước Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea.
Riêng tại Sierra Leone, khoảng 4.000 ca đã tử vong do Ebola tính từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số người tử vong thực sự có thể cao hơn so với các số liệu thống kê do số người chết vì virus Ebola lúc đầu được cho là tử vong vì sốt xuất huyết, dịch tả...
Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em tại 3 nước Tây Phi trên đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola và cần được sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo quốc tế./.