Tổ chức Y tế Thế giới thông qua nghị quyết trừng phạt Nga

Nghị quyết của WHO đề cập đến tình trạng khẩn cấp về y tế tại Ukraine, các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh cấp tính, số người thương vong tại Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại đây.
Tổ chức Y tế Thế giới thông qua nghị quyết trừng phạt Nga ảnh 1Người dân Ukraine được sơ tán từ thành phố Mariupol tới thành phố Zaporizhzhia ngày 3/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/5, các nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu đã thông qua nghị quyết có thể dẫn tới việc đóng cửa văn phòng khu vực tại Nga, cũng như đình chỉ các hội nghị ở nước này, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Với 43 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 2 phiếu trắng, phiên họp đặc biệt của WHO khu vực châu Âu đã thông qua nghị quyết trên.

Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).

Nghị quyết của WHO đề cập đến tình trạng khẩn cấp về y tế tại Ukraine, tình trạng các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh cấp tính cũng như số người thương vong tại Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.

Phái viên Nga Andrei Plutnitsky phản đối nghị quyết trên và bày tỏ sự thất vọng. Tại phiên họp, ông Plutnitsky cho biết đây là thời khắc làm "tổn hại đến hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu."

[Liên minh châu Âu rơi vào thế kẹt trong vòng trừng phạt mới với Nga]

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ không tham dự phiên họp đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (UNHRC) liên quan đến Ukraine.

Trước đó, ngày 9/5, UNHRC tuyên bố sẽ tiến hành một phiên họp đặc biệt theo yêu cầu của Ukraine nhằm xác minh tình hình nhân quyền tại nước này.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh phái đoàn Nga sẽ không hợp pháp hóa sự kiện "chính trị" này.

Bà bày tỏ lấy làm tiếc khi những giải thích của Moskva về mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tình hình thực sự trên thực địa bị "phớt lờ".

Ngày 7/4 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nhất trí đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền do chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục