Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến nghị mới về dịch cúm gia cầm

Hiện tại không có bằng chứng virus H5N1 lây từ người sang người, nhưng các quan chức y tế quan ngại rằng nếu virus lây lan rộng sẽ biến đổi thành một dạng có thể lây truyền giữa người với người.
Bà Maria Van Kerkhove - người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tăng cường các mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với virus cúm gia cầm H5N1 hiện đã lây nhiễm ở một số lượng lớn các loài động vật.

Mới đây, WHO đã phát hiện virus H5N1 với nồng độ rất cao trong sữa nguyên liệu hoặc sữa chưa thanh trùng từ những con bò mắc bệnh. Các chuyên gia đã rất ngạc nhiên về phát hiện này vì bò vốn không dễ mắc chủng cúm này.

Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), bà Maria Van Kerkhove - người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát chặt chẽ các loài động vật trên toàn cầu, bên cạnh công tác giám sát các loài chim và gia cầm đang được triển khai.

Bà Van Kerkhove nêu rõ cần phải mở rộng tăng cường giám sát đối với các sản phẩm sữa để bảo vệ sức khỏe của người dân. Bà cũng lưu ý rằng phương pháp thanh trùng, bao gồm đun nóng sữa để diệt vi khuẩn, là biện pháp được khuyến khích và an toàn.

Bà cho biết mặc dù việc phát hiện virus cúm gia cầm ở bò sữa không làm thay đổi cơ bản đánh giá rủi ro của WHO, song đây là điều đáng lo ngại.

Hiện tại không có bằng chứng virus H5N1 lây từ người sang người, nhưng các quan chức y tế quan ngại rằng nếu virus lây lan rộng sẽ biến đổi thành một dạng có thể lây truyền giữa người với người.

Theo bà Van Kerkhove, chừng nào H5N1 còn tiếp tục lưu hành và kết hợp với các loài động vật, virus này vẫn có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và thậm chí có khả năng dẫn đến đại dịch.

Gia cầm được nuôi tại trang trại ở Sant' Anna dal Faedo, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ năm 2003 đến ngày 1/4/2024, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong số 889 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 ở người tại 23 quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Van Kerkhove, kể từ năm 2021, chỉ có 28 trường hợp nhiễm chủng cúm này ở người.

Cúm H5N1 (cúm A) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, nhưng kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở các loài chim đã tăng theo cấp số nhân, cùng với xu hướng gia tăng số lượng động vật có vú mắc bệnh.

Chủng virus này đã làm chết hàng chục triệu gia cầm, trong khi các loài chim hoang dã, động vật có vú trên cạn và dưới biển cũng mắc bệnh.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mexico (SADER) hôm 3/4 thông báo tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm dịch và giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gia súc từ Mỹ sau khi quốc gia láng giềng ghi nhận một trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 ở người do tiếp xúc với bò sữa nhiễm bệnh.

Thông cáo của SADER cho biết ngày 1/4, bang Texas và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ báo cáo trường hợp thứ 2 nhiễm chủng cúm gia cầm H5N1 ở người được xác định tại Mỹ sau khi tiếp xúc với bò sữa nhiễm bệnh.

Trường hợp đầu tiên xuất hiện ở bang Colorado vào năm 2022. CDC của Mỹ cho biết chủng virus trong ca nhiễm mới không cho thấy nguy cơ đáng lo ngại đối với sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, SADER yêu cầu Ủy ban Mexico-Mỹ về phòng chống bệnh lở mồm long móng và các bệnh động vật ngoại lai khác (CPA) thực hiện kiểm tra và lấy mẫu kiểm dịch tại một số trang trại chăn nuôi gia súc tại nước này.

Trong khi đó, Cơ quan Quốc gia về Sức khỏe, An toàn và Chất lượng Thực phẩm Nông nghiệp Mexico (Senasica) tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gia súc vào nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh, đồng thời kêu gọi chủ các trang trại chăn nuôi thông báo ngay cho cơ quan y tế nếu phát hiện đàn gia súc có dấu hiệu nhiễm virus cúm.

SADER lưu ý việc tiêu thụ các sản phẩm sữa tiệt trùng không gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy trình sản xuất và người dân tránh tiêu thụ sữa chưa tiệt trùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục