Giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một quy trình bao gồm nhiều công đoạn, được thực hiện rất chặt chẽ, đồng thời vừa bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, vừa bảo đảm tính tập trung.
Quá trình ấy có sự tham gia vận hành của các cơ quan, tổ chức, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và đặc biệt có vai trò rất quan trọng của cử tri. Tổ chức vận động bầu cử phù hợp, hiệu quả là yếu tố quan trọng giúp các ứng viên có được sự ủng hộ tối đa của cử tri nơi mình ứng cử.
Xoay quanh những vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử toàn dân 23/5 trong bối cảnh ứng phó phù hợp với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
- Xin ông cho biết tiến độ triển khai các công tác để chuẩn bị cho Ngày Bầu cử 23/5 sắp tới?
Ông Ngô Sách Thực: Công tác chỉ đạo để chuẩn bị cho cuộc bầu cử kỳ này có một số điểm mới và đã được triển khai sớm nên các địa phương tiến hành rất tích cực. Đến thời điểm này, chúng tôi thấy các công việc liên quan chuẩn bị cho công tác bầu cử đã đạt được tiến độ theo các mục đích đề ra trước ngày 23/5.
Thứ nhất, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp đã được thực hiện đúng thời gian, đúng quy định, với thành phần khá rộng. Thứ hai, việc tổ chức hiệp thương ba bước đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt dân chủ rất sâu rộng để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Qua ba vòng hiệp thương đã giới thiệu được những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với đủ tiêu chuẩn, đủ số dư theo quy định của pháp luật về bầu cử.
Việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú đã cho thấy có những người đạt tín nhiệm rất cao, song cũng có những người mức độ tín nhiệm không đạt trên 50%; lại có người được đưa vào danh sách tuy không đạt tín nhiệm 100% nhưng vẫn đạt đầy đủ tiêu chuẩn và các yêu cầu. Những điều đó cho thấy, không khí dân chủ trong quá trình lựa chọn các ứng cử viên, qua đó góp phần để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất.
[Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Hà Nội hân hoan đón ngày hội lớn]
Bên cạnh đó, chúng ta còn tổ chức cho những người ứng cử vận động bầu cử. Dù trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc vận động bầu cử vẫn được tích cực triển khai bằng hình thức hội nghị trực tiếp và trực tuyến; thông qua các hình thức thông tin đại chúng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta đã có nhiều sáng tạo. Đây là những điểm rất mới mà chỉ có mùa này mới có, các kỳ bầu cử khác chưa thực hiện được.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, danh sách trích ngang của các ứng viên tại các đơn vị bầu cử được gửi đến các hộ gia đình. Đây là cách thức tác động mới để người dân có thể tự do tìm hiểu.
Ngoài ra, các bài trả lời phỏng vấn, chương trình hành động của ứng cử viên được đăng tải trên báo, đài địa phương nơi ứng viên ứng cử cùng một số nội dung khác liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử; việc tổ chức tập huấn cho hệ thống Ủy ban Bầu cử các cấp, đặc biệt là tập huấn đối với Tổ Bầu cử.
Hiện nay, các Tổ Bầu cử trên toàn quốc đã được tập huấn sâu hơn về những nội dung mới liên quan đến tình hình dịch COVID-19 và cách thức triển khai bầu cử phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là đối với những nơi như khu cách ly, khu tập trung đông người.
Như vậy, trong các tình huống và những địa điểm như bình thường, chúng ta phải thực hiện quy định 5K và có giãn cách. Việc chuẩn bị địa điểm bỏ phiếu, Tổ Bầu cử và sẵn sàng thay thế người trong Tổ Bầu cử có thể bị mắc COVID-19 là những tình huống cần được lường trước; có Tổ Bầu cử lưu động tới từng nhà đối với những hộ đang cách ly tại gia đình; hoặc đối với khu cách ly tập trung đông người hay những địa bàn đang bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngay tại đó có thể quyết định thành lập tổ bầu cử...
Với những sự thay đổi, cử tri phải được chủ động hướng dẫn cách thức bầu cử ngay từ đầu để có sự ứng phó linh hoạt.
- Thưa ông, trong tình hình hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã triển khai những giải pháp, công việc như thế nào để vừa ứng phó với dịch COVID-19, vừa đảm bảo và chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn?
Ông Ngô Sách Thực: Ngày 13/4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh, trong đó có hướng dẫn về việc tổ chức bỏ phiếu ở các địa điểm.
Những nội dung này đã được các địa phương từng bước triển khai. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan theo thẩm quyền, nhiệm vụ của mình đều có những nội dung hướng dẫn về bầu cử.
Ở những địa phương có trạng thái bình thường, nơi bỏ phiếu vẫn phải thực hiện quy định 5K, đảm bảo các yêu cầu về khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách..., đồng thời có sự hướng dẫn của ngành Y tế trên địa bàn. Ủy ban Bầu cử các cấp đã có bổ sung phương án ứng phó cụ thể về các tình huống khi có dịch vào kế hoạch, còn trong trạng thái bình thường, chúng ta vẫn phải thực hiện giãn cách.
Mỗi điểm bầu cử cần sắp xếp lối ra, lối vào khác nhau và có cán bộ y tế kiểm tra, đo thân nhiệt. Bàn để ghi phiếu phải có khoảng cách và cử tri sẽ được thông báo, hướng dẫn về giờ giấc đến bầu cử để tránh tập trung quá đông người cùng lúc. Như vậy sẽ đảm bảo thực hiện được các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.
Phương án thứ hai là sẽ hình thành Tổ Bầu cử lưu động để tạo điều kiện cho những người đang cách ly tại nhà thực hiện quyền cử tri. Tổ Bầu cử lưu động sẽ đem hòm phiếu riêng đến từng hộ gia đình, hộ gia đình đó thả phiếu vào thùng phiếu, vẫn bảo đảm được công tác phòng, chống dịch. Phiếu và hòm phiếu sẽ được phun khử khuẩn và kiểm phiếu theo quy trình về phòng, chống dịch.
Đối với những cơ sở cách ly tập trung đông người và các bệnh viện đang cách ly, Ủy ban Bầu cử các cấp có thể thành lập thêm Tổ Bầu cử, có hòm phiếu và thực hiện quy trình bầu cử đầy đủ như đã hướng dẫn. Việc kiểm phiếu tiến hành luôn trong khu cách ly tập trung, việc này đã có hướng dẫn.
Đối với những địa bàn đang phong tỏa do dịch, chúng tôi thấy cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn nữa. Trong các công tác chuẩn bị tổ chức cho Ngày Bầu cử và thực hiện phòng, chống dịch, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là Tổ Bầu cử, làm thế nào để kiện toàn, tập huấn cho tổ bầu cử một cách tốt nhất.
Hiện nay, rất nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn cho các Tổ Bầu cử, ở nhiều nơi đã tập huấn được hai lần. Nhưng theo tôi, việc tập huấn cho những tình huống phòng, chống dịch vẫn cần được tiếp tục quan tâm hơn.
Một số địa phương hiện nay có tổ chức những nội dung tập huấn này bằng hình thức trực tuyến rất tốt, đạt được mục đích giúp Tổ Bầu cử hiểu được đúng nhiệm vụ của mình và tích cực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho cử tri yên tâm đi bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử.
- Mặt Trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tuyên truyền, thực hiện công tác bầu cử ở những nơi xa xôi như biên giới, hải đảo như thế nào để đạt được kết quả là 100% cử tri đi bỏ phiếu, thưa ông?
Ông Ngô Sách Thực: Biên giới, hải đảo và những địa bàn xa xôi là những nơi rất khó khăn trong công tác bầu cử. Công tác tuyên truyền là trách nhiệm chung, nhưng đối với Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi có hai kênh rất quan trọng: thông qua đội ngũ cán bộ Mặt trận và thông qua các tổ chức thành viên của mình. Mỗi Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đều có Trưởng ban và các thành viên gồm từ 7 đến 15 người.
Thông qua hệ thống này, thông tin sẽ đến được trực tiếp với người dân, đặc biệt là với những vùng biên giới, hải đảo, việc tuyên truyền, thông tin trực tiếp này rất được chú trọng. Đồng thời, Mặt trận các cấp cũng phối hợp với các cơ quan để thông tin qua các kênh thông tin đại chúng, thông tin điện tử.
Nội dung tuyên truyền này càng được quan tâm thực hiện hơn ở những nơi bỏ phiếu sớm. Theo đề nghị của 15 tỉnh và Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tại các địa phương đó, chúng ta có một số điểm bỏ phiếu sớm, như đối với Bà Rịa-Vũng Tàu có 5 điểm bỏ phiếu sớm; Trường Sa có 20 điểm bỏ phiếu sớm; một số điểm của Cà Mau, Kiên Giang đều bỏ phiếu trước 2 ngày; hoặc đối với huyện đảo Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng là trước 1 ngày...
Các địa phương này đều có cán bộ Mặt trận. Cán bộ Mặt trận và đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ có sự phối hợp với các cơ quan; gắn bó chặt chẽ với người dân, thông tin đến người dân để người dân tích cực thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ tham gia bầu cử.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của chương trình hành động của mỗi ứng cử viên trong việc giúp họ nâng cao khả năng trúng cử của mình? Qua thực tế từ các chuyến công tác, giám sát gần đây, theo ông, năm nay có những điểm mới nào trong công tác tiếp xúc cử tri cũng như công tác vận động tranh cử của các ứng cử viên?
Ông Ngô Sách Thực: Tôi cho rằng chương trình hành động của mỗi ứng viên có ý nghĩa rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến cử tri. Chương trình hành động sẽ là bản tổng hợp thể hiện kỹ năng, năng lực của người ứng cử. Thời gian nói phải ngắn gọn, trúng và tạo được ấn tượng đối với cử tri, do đó chương trình hành động không thể quá dài.
Nội dung được đề cập phải là những vấn đề lớn, gắn với chức trách, nhiệm vụ của người đại biểu song cũng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng cử tri của nơi mình ứng cử, đó là do khả năng, trình độ của từng người. Vì vậy, đối với chương trình hành động này, từng ứng cử viên phải chuẩn bị rất kỹ.
Qua việc trình bày chương trình hành động sẽ thể hiện hết khả năng, khả năng của mỗi ứng viên để cử tri có cơ sở nhận biết, nhận xét, đánh giá. Tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng và sẽ giúp ứng cử viên “ghi điểm” cùng với các yếu tố khác mà cử tri quan tâm, như các kỹ năng trình bày, kỹ năng lắng nghe, nắm bắt ý kiến của người dân, cách thể hiện quá trình hoạt động, bản lĩnh, phẩm chất, phong cách, việc giữ mối liên hệ với nhân dân, tinh thần phục vụ nhân dân, khả năng lắng nghe, nắm bắt ý kiến của người dân.
Đối với việc vận động tranh cử của các ứng cử viên ở kỳ này, chúng tôi đã đưa ra hai hình thức, một là tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; hai là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Với mong muốn để người vận động bầu cử được tiếp xúc với cử tri nhiều hơn nên đã có những yêu cầu về chương trình tiếp xúc đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc, đối với ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất 5 cuộc.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc trực tiếp tiếp xúc cử tri không thể hực hiện được như mục tiêu ban đầu đưa ra. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải thích ứng ngay với tình hình, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu.
Ngày 4/5/2021, sau khi thống nhất với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành ngay hướng dẫn bổ sung về cách thức tiếp xúc cử tri phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Từ đó đã có thêm các hình thức được khuyến khích như tiếp xúc cử tri trực tuyến.
Theo đó, Ủy ban Bầu cử các cấp gửi chương trình hành động cùng danh sách trích ngang của các ứng viên đến từng hộ gia đình, đưa lên các trang thông tin điện tử; niêm yết tại các đơn vị bầu cử để cử tri có nhiều điều kiện hơn trong việc tìm hiểu. Đây là những nội dung tôi đánh giá là điểm mới trong vận động bầu cử.
Một điểm mới nữa là việc tiếp tục quan tâm hơn đến đối tượng cử tri là những người người yếu thế, người đi làm ăn xa, người không có điều kiện tới các điểm bỏ phiếu. Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã sớm có chỉ đạo về việc Ủy ban Bầu cử cấp phải rà soát, nắm tỷ lệ người đăng ký đi bỏ phiếu tại nơi cư trú, nơi thường trú của mình.
Trách nhiệm của chính quyền cấp xã ở đó là thông tin đến hộ gia đình, hộ gia đình đó thông tin đến người đang đi làm ăn xa để người đó có biết thông tin và chủ động đăng ký. Trên cơ sở đăng ký đó, Ủy ban Bầu cử các cấp lập danh sách cử tri nơi bỏ phiếu và có liên hệ nơi cử tri đó đang làm việc để không bỏ sót trong việc lập danh sách cử tri.
- Ông có thể chia sẻ nhìn nhận của mình về vai trò và sự tham gia của cử tri trong việc lựa chọn ra những ứng cử viên xứng đáng?
Ông Ngô Sách Thực: Cử tri là người quyết định trong việc bầu ai và ai là người trúng cử, người trúng cử nào xứng đáng. Như vậy, muốn tạo tác động tích cực đến cử tri, người vận động ứng cử và cơ quan các cấp phải có thông tin đến cử tri để cử tri có điều kiện nắm bắt và hiểu biết về các ứng cử viên, về cơ cấu và số lượng người được bầu ở từng cấp.
Việc thông tin đến cử tri cần quan tâm tới nhiều yếu tố: Thông tin đầy đủ về sơ yếu lý lịch, tóm tắt quá trình công tác, về những yếu tố mà cử tri đang quan tâm để cử tri tìm hiểu ai là những xứng đáng, đủ tiêu chuẩn.
Những nội dung đó hiện nay đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như qua hội nghị tiếp xúc cử tri, qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng, qua việc gửi tài liệu trực tiếp đến từng hộ gia đình, niêm yết danh sách trích ngang, tóm tắt sơ yếu lý lịch của ứng viên tại địa điểm bỏ phiếu; hoặc cử tri có thể trực tiếp tìm hiểu trên các trang thông tin điện tử.
Riêng đối với kênh thông tin đại chúng, các ứng viên có thể trình bày chương trình hành động thông qua việc trả lời phỏng vấn, thông tin tới cử tri qua hệ thống báo chí của địa phương nơi mình ứng cử như báo điện tử, báo giấy, đài phát thanh và truyền hình của địa phương để giúp cử tri hiểu rõ hơn về những nội dung đó. Như vậy, việc vận động bầu cử có thể được thực hiện bằng tổng hợp các biện pháp.
- Ông có kỳ vọng gì vào đội ngũ cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp kỳ này?
Ông Ngô Sách Thực: Tôi tin tưởng rằng qua các vòng hiệp thương, qua sự lựa chọn, giới thiệu cũng như việc tự ứng cử và tôn trọng quyền ứng cử của công dân, những người được bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân kỳ này sẽ là những người có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hiện nay, góp phần vào việc thực hiện yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Chất lượng đại biểu chính là yếu tố quyết định cho vấn đề này. Với sự sáng suốt lựa chọn qua các quy trình bầu cử công khai, dân chủ, qua ngày bầu cử cuối cùng vào ngày 23/5, nhân dân sẽ là người quyết định những ai trúng cử trong đợt bầu cử lần này.
Tôi tin tưởng những người trúng cử sẽ phát huy vai trò, niềm tin của người dân, tiếp tục phấn đấu, thể hiện và làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ của người đại biểu gắn bó với cử tri; đồng thời tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng, trí tuệ, khát vọng vươn lên của dân tộc để góp phần đưa đất nước phát triển theo mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới./.
- Trân trọng cảm ơn ông!