Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tài trợ 2 xe ép rác cho thành phố Huế

Việc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tặng 2 xe ép rác trị giá gần 10 tỷ đồng, góp phần giảm tình trạng rò rỉ, tối ưu hóa chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho thành phố Huế.
Hai xe ép rác trị giá gần 10 tỷ đồng được Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” bàn giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ngày 28/9, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam) phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức Lễ bàn giao hai xe ép rác trị giá gần 10 tỷ đồng cho địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Trần Song cho biết từ năm 2022 đến nay, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa như tài trợ 295 bộ lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng 9 nhà chờ và trạm tiếp nước cũng như xóa bỏ một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Việc trao tặng 2 xe ép rác của Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” là hoàn toàn phù hợp nhu cầu thiết thực của thành phố để vận chuyển rác từ thành phố đến nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn, giảm tình trạng rò rỉ và phát tán mùi hôi ra môi trường trong quá trình vận chuyển, tối ưu hóa số lần vận chuyển cần thiết, giảm chi phí và thời gian vận chuyển đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh công cộng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Huế cam kết phối hợp các đối tác phát huy tối đa hiệu quả vận hành trong công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương - ông Trần Song khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Võ Lê Nhật (phải) nhận bàn giao 2 xe ép rác. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Hai xe ép rác thuộc dòng xe ép rác “3 trong 1”, thương hiệu ISUZU, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng trọng tải trung bình 24 tấn, công suất 206 kW/2400rpm, tiêu chuẩn khí thải EURO 4 và vận tốc lớn nhất đạt 76km/h.

Dung tích của mỗi xe chứa được trung bình 20m3 rác. Dòng xe này đáp ứng tối ưu chi phí vận hành và hiệu quả thu gom, vận chuyển rác từ thành phố Huế đến nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn.

Xe ép rác bao gồm xe nền chassis, thùng chuyên dùng ép rác và hệ thống tời đôi chất lượng cao để tiếp nhận rác từ thùng rác nhựa các loại 120/240/660/1100 lít, xe thu gom rác đẩy tay, xuồng rác 10m3 (tương đương với khoảng 5-6 tấn chất thải rắn sinh hoạt).

Chi phí vận hành xe ép rác thấp hơn so với các loại xe rác trước đây được sử dụng ở Huế bởi thời gian vận chuyển được rút ngắn, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí nhân công.

Đặc biệt, xe ép rác với dung tích chứa rác lớn và quy trình ép, xử lý rác hiện đại tại chỗ trên xe, đảm bảo việc giảm thiểu tối đa thất thoát rác thải ra môi trường trong quá trình thu gom và xử lý.

Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, tổ chức tăng cường quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với Ủy ban nhân dân thành phố Huế, đóng góp vào sự phát triển xanh, tiến tới hiện thực hóa “tầm nhìn xanh” của địa phương.

Việc trao tặng hai xe ép rác, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng đồng bộ đồng thời ưu hóa chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn và giảm tỷ lệ rác nhựa ra môi trường.

Theo thống kê năm 2021, mỗi ngày thành phố Huế thải ra môi trường 410 tấn rác thải sinh hoạt; khối lượng này ngày càng gia tăng. Giải quyết đầu ra cho hoạt động xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên-Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng là vấn đề bức thiết đối với địa phương, khi bãi chôn lấp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đã đầy, đóng cửa.

Mặt khác, Nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) vận hành từ đầu năm 2024 nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình vận chuyển rác từ thành phố Huế đến nhà máy. Do quãng đường tương đối xa, rác thải dễ rơi vãi trên đường phố.

Ngoài ra, các phương tiện xe cuốn ép hiện có quy mô tương đối, số chuyến vận chuyển sẽ tăng lên khi lượng rác gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục