Tổ chức quốc tế kiến nghị Việt Nam quyết liệt ngăn tội phạm buôn lậu thú rừng

Đại diện WWF đề xuất Việt Nam cần tăng cường hợp tác điều tra, truy vết tội phạm động vật hoang dã giữa các nước về bắt giữ và xử lý đối tượng cầm đầu các đường dây tuồn lậu thú rừng qua các cửa khẩu.
Hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra phức tạp tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: Vietnam+)

Liên quan đến nội dung loạt bài phóng sự điều tra “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” được Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) nhấn mạnh để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, nhập lậu trái phép các sản phẩm động vật hoang dã từ bên ngoài vào trong nước, Việt Nam cần đưa ra các hành động quyết liệt hơn trong công tác thực thi pháp luật như: Truy tìm, bắt giữ các đối tượng cầm đầu và người tham gia vào đường dây nhập lậu động vật hoang dã.

Cần các hành động quyết liệt

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ngày 5/12, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam Nguyễn Văn Trí Tín cho hay những năm gần đây, Việt Nam đã kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật để kiểm soát hiệu quả hoạt động thương mại động vật hoang dã. Tuy nhiên, công tác thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả triệt để như mong đợi.

Thực tế trong thời gian gần đây cho thấy nhu cầu mua, bán, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật vì nhiều mục đích khác nhau vẫn còn phổ biến. Thực trạng này góp phần kích cầu thị trường về các sản phẩm bất hợp pháp như sừng tê giác, ngà voi, hổ, tê tê, gấu, rùa, rắn.

“Đặc biệt các hoạt động trên diễn ra thông qua các cửa khẩu biên giới; thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, khó phát hiện,” ông Tín nhấn mạnh.

Vì thế, để kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển và nhập lậu trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã từ bên ngoài vào Việt Nam nói chung, nhất là từ Lào về Việt Nam, đại diện WWF-Việt Nam đề xuất Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các hành động quyết liệt và kịp thời (như thúc đẩy vai trò của các cơ quan ngoại giao trong trao đổi thông tin, ký kết các hiệp định tương trợ về tư pháp) để điều tra, truy vết tội phạm động vật hoang dã giữa các nước về bắt giữ và xử lý đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép thú rừng qua các cửa khẩu.

Hoạt động tuồn lậu động vật hoang dã diễn ra phức tạp trong thời gian qua. (Nguồn: Vietnam+)

“Việc truy tìm, bắt giữ những đối tượng cầm đầu và những người tham gia vào đường dây nhập lậu lô hàng động vật hoang dã cũng như các sản phẩm liên quan từ mặt hàng này là việc ưu tiên và quan trọng nhất,” ông Tín nhấn mạnh.

Dẫn thêm quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) của Việt Nam, đại diện WWF-Việt Nam cho rằng các hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật có thể bị phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng.

Phải thay đổi hành vi tiêu dùng

Đề cập về trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Trí Tín cho rằng hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và phòng, chống buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật nói riêng là trách nhiệm của tất cả mọi người và toàn xã hội.

Trong đó, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật là rất quan trọng trong việc xử lý nghiêm để răn đe các hành vi vi phạm, cũng là để nhắc nhở từng cá nhận về trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm.

“Đã đến lúc người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm động vật hoang dã. Các hành vi sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật cần được toàn xã hội lên án và tẩy chay, tạo ra những làn sóng bảo vệ các loài hoang dã và lan tỏa những việc làm tốt trong cộng đồng,” ông Tín nói.

Về phần mình, ông Tín cho hay WWF-Việt Nam đã và đang không ngừng tăng cường hợp tác toàn diện với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để đẩy mạnh hợp tác giải quyết căn cơ các mối đe dọa, thách thức nói trên đối với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học bằng các tiếp cận dựa vào chính thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên.

Các mặt hàng cấm từ "thú rừng." (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ông Tín cũng lưu ý các hành vi mua bán, vận chuyển trái pháp luật động vật hoang dã và sản phẩm liên quan từ động vật hoang dã sẽ có những biện pháp kiểm soát đặc thù tuỳ thuộc vào đối tượng vi phạm, bản chất của hoạt động vi phạm. Tuy nhiên, từ góc độ đánh giá của WWF thì có 3 nhóm nhiệm vụ cần ưu tiên.

Thứ nhất, WWF-Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần phải tăng cường năng lực thực thi pháp luật, các chính sách, quy định mà nhà nước đã ban hành. Theo đó, để công tác thực thi pháp luật về kiểm soát khai thác, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật được thực thi tốt, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương. Đây cũng là nỗ lực cho thấy “Việt Nam không khoan nhượng với các loại tội phạm về động thực vật hoang dã.”

Thứ hai, các bên liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về rủi ro lây truyền dịch bệnh từ buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; giáo dục nâng cao nhận thức và các hoạt động giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã đến các tầng lớp xã hội; nhất là đồng bào tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, để mọi người hiểu được giá trị của đa dạng sinh học là nền tảng của cuộc sống con người.

Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với những khoảng trống còn tồn tại và khắc phục những vấn đề phát sinh, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật đã ban hành đối với từng nhóm hoạt động vi phạm.

Trong đó, WWF-Việt Nam khuyến nghị các chính sách cần ưu tiên quan tâm hoàn thiện bao gồm hoàn thiện các chế tài liên quan đến xử phạt hành vi tiêu thụ, sử dụng trái pháp luật các sản phẩm động vật hoang dã; quy định rõ chế tài xử phạt với hành vi tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng động vật hoang dã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục