Tổ chức quốc tế hỗ trợ hơn 800 triệu USD cho châu Phi ứng phó dịch đậu mùa khỉ

Các tổ chức quốc tế đã cam kết tài trợ hơn 800 triệu USD, cao hơn con số dự kiến, cho CDC châu Phi để ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Ngày 26/9, Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi Jean Kaseya cho biết các tổ chức quốc tế đã cam kết tài trợ hơn 800 triệu USD cho cơ quan này để ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi, cao hơn con số dự kiến.

Trước đó, CDC châu Phi đã cam kết gây quỹ 600 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh trên.

Theo ông Kaseya, CDC châu Phi đã nhận được cam kết tài trợ gần 814 triệu USD nhằm hỗ trợ kế hoạch ứng phó với dịch mpox. Nếu tính đến hỗ trợ bổ sung, số tiền này sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ USD, trong đó phần lớn sẽ đến từ Mỹ, quốc gia sẽ tài trợ 500 triệu USD và 1 triệu liều vaccine cho kế hoạch trên.

Ngoài ra, CDC châu Phi sẽ nhận được khoảng 314 triệu USD từ một ngân quỹ phòng chống dịch bệnh vốn được lập ra để nhận các khoản đóng góp từ các quốc gia thành viên và đối tác. Số tiền này bao gồm cả khoản tiền 129 triệu USD do quỹ trên đề xuất.

Cũng theo ông Kaseya, CDC châu Phi đã nhận được 4,3 triệu liều vaccine trong số hơn 10 triệu liều cần thiết để kiểm soát dịch mpox.

Số tiền tài trợ bổ sung cho cơ quan này đến từ Liên minh Ứng phó với dịch bệnh với khoảng 72 triệu USD hỗ trợ phát triển vaccine và 145 triệu USD để mở rộng khả năng sản xuất vaccine tại châu Phi, đặc biệt là ở Rwanda.

Ông cho biết thêm CDC châu Phi sẽ phải điều chỉnh kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trên trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hơn.

Tổng Giám đốc CDC châu Phi nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ phân phối lại nguồn tài trợ này dựa trên các cuộc thảo luận với tất cả các đối tác để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng và những nước có nguy cơ cao chịu tác động đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp."

Số liệu của CDC châu Phi cho thấy từ đầu năm đến nay, lục địa này đã ghi nhận hơn 32.000 ca nghi mắc mpox, trong đó có 840 trường hợp tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục