Tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn

Đại biểu cho rằng xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa có tiền lệ, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, cần được tổ chức điểm để rút kinh nghiệm.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một nội dung quan trọng mà các đại biểu dành nhiều thời gian bàn luận.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly, giãn cách xã hội. Do đó hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định.

Một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Hiến pháp năm 2013 quy định “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định…,” do vậy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

"Bởi việc này sẽ bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng, chống dịch bệnh, ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác xét xử, giải quyết các vụ án được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.”

Tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ thúc đẩy và quy chuẩn hóa hoạt động tố tụng trực tuyến, hoàn thiện quy trình tố tụng trực tuyến, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng, đảm bảo xét xử vụ án công bằng, hiệu quả cao.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, nhân chứng, luật sư ở xa không có hoặc khó có điều kiện trực tiếp đến phiên tòa; đáp ứng nguyện vọng của đương sự không mong muốn có mặt tại trụ sở Tòa án để giải quyết vụ án vì lý do cá nhân và yếu tố văn hóa.

Đây cũng là bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả của tố tụng, các vụ án thuộc diện xét xử trực tuyến sẽ được đưa ra xét xử khẩn trương, kịp thời, trong thời hạn luật định; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.

[‘Chỉ nên xét xử trực tuyến với các vụ án có tình tiết đơn giản’]

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phân tích, thực tiễn, một số Tòa án khi tổ chức phiên tòa, có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến nêu trong dự thảo Nghị quyết là xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng là phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa có tiền lệ, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, cần được tổ chức điểm để rút kinh nghiệm.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cần tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và bổ sung thêm một số nguyên tắc của phiên tòa trực tuyến như dự thảo Nghị quyết nêu “đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của Tòa án” thể hiện rõ tính chất đặc thù của phiên tòa trực tuyến.

Để tổ chức được phiên tòa trực tuyến thì việc chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật; tập huấn, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia tố tụng và bổ trợ tư pháp; quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; phòng xử án tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần.

Ngoài ra, các cơ quan tố tụng cần có những quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến.

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, thực hiện cam kết quốc tế đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử khi Việt Nam tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục