Tổ chức NATO tăng cường an ninh mạng của các nước thành viên

NATO chủ trương tăng cường bảo vệ an ninh mạng, trong khi các nước thành viên mong muốn có những phản ứng tập thể trước một cuộc tấn công mạng nhằm vào một nước thành viên.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết NATO chủ trương tăng cường bảo vệ an ninh mạng, trong khi các nước thành viên mong muốn có những phản ứng tập thể trước một cuộc tấn công mạng nhằm vào một nước thành viên, tương tự như cách thức liên minh này sẽ phản ứng theo Điều 5 Hiệp ước NATO về phòng thủ tương hỗ.

Phát biểu trước báo giới, ông Stoltenberg tuyên bố các vụ tấn công tin tặc vào tháng 5 vừa qua và trong tuần này cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng an ninh quốc phòng trên không gian mạng.

Ông khẳng định đây chính là việc mà NATO cần làm hiện nay, nhấn mạnh rằng các nước đồng minh cần luyện tập nhiều hơn song song với việc tiến hành trao đổi về kinh nghiệm và công nghệ cũng như phối hợp hành động chặt chẽ giữa các thành viên để tận dụng khả năng và thế mạnh của nhau.

[Điểm mặt danh mục email mà mã độc Petya nhắm đến]

Cách đây một năm NATO đã quyết định coi không gian mạng là một lĩnh vực hành động chung. Một vụ tấn công mạng có thể kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước thành lập khối về phòng vệ tập thể trong trường hợp một nước thành viên bị tấn công.

Vì mục đích này, NATO đang định nghĩa không gian mạng như một phạm trù thuộc lĩnh vực quân sự, có nghĩa NATO sẽ có các hành động quân sự cả trên mặt đất, trên không, trên biển và trong không gian mạng.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến làn sóng tấn công mạng toàn cầu, chi nhánh bất động sản của ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas đã trở thành nạn nhân tiếp theo. Đây là một trong những thể chế tài chính lớn nhất bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công vốn bắt đầu từ Nga và Ukraine này.

Người phát ngôn của BNP Paribas xác nhận một số máy tính nhân viên đã bị khóa trong ngày 27/6, song các biện pháp cần thiết đã nhanh chóng được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Từ ngày 27/6, một làn sóng tấn công mạng của virus "Petrwrap", giống như cách thức tấn công của virus WannaCry trước đây, đã ảnh hưởng một loạt các công ty đa quốc gia và các công ty cũng như dịch vụ của Mỹ và châu Âu, sau khi đã tấn công tại Ukraine và Nga.

Virus "Petrwrap" trong những vụ tấn công mới nhất được các chuyên gia nhận định là bản cải tiến của Petya, mã độc là thủ phạm tấn công hệ thống máy tính toàn cầu năm 2016.

Cũng như WannaCry đã "hoành hành" thế giới hồi tháng 5, đây là loại mã độc thuộc dòng "tống tiền," lây lan qua các liên kết độc hại và thực hiện ghi đè có chủ đích lên tập tin quản lý khởi động hệ thống của thiết bị (MBR) và sẽ thực hiện việc khóa mã khi người dùng khởi động các tập tin này.

Virus mới này đã tấn công nhiều hệ thống máy tính trên toàn cầu với những thiệt hại ban đầu được ghi nhận tại các nước như Ukraine, Nga, Anh và Ấn Độ./.

Điểm mặt danh mục email mà mã độc Petya nhắm đến
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục