Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA), nhóm vũ trang hoạt động chủ yếu tại Tây Ban Nha và Pháp, tuyên bố sẽ "giã từ vũ khí" vào ngày 8/4, động thái mở ra cơ hội kết thúc cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới ETA, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội.
Trong lá thư bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha công bố trên BBC ngày 7/4, ETA tuyên bố 8/4 là "Ngày giải trừ vũ khí," song cảnh báo rằng tiến trình này có thể bị "kẻ thù của hòa bình" tấn công.
ETA cho rằng giải giáp vũ khí là "một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp," đồng thời cho rằng chính phủ Pháp và Tây Ban Nha "thiếu nhượng bộ."
ETA, hiện vẫn bị Liên minh châu Âu (EU) coi là một tổ chức khủng bố, nêu rõ đã chuyển tất cả vũ khí của nhóm này bao gồm súng và chất nổ cho các đại diện xã hội dân sự ở xứ Basque (vùng lãnh thổ nằm giữa miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp). Nhóm này cũng cho biết Bayonne, một thành phố thuộc xứ Basque nằm trên lãnh thổ Pháp, sẽ là tiêu điểm của tiến trình giải trừ vũ khí. Dự kiến sẽ có hàng nghìn người tập trung chứng kiến tiến trình này tại Bayonne vào ngày 8/4.
Hồi tháng Ba, người đứng đầu chính quyền khu tự trị Basque ở Tây Ban Nha, Inigo Urkullu thông báo ETA đã lên kế hoạch hạ vũ khí vào ngày 8/4. Ông Urkullu cũng kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha và Pháp mở kênh đối thoại trực tiếp với ETA. Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác bỏ lời kêu gọi trên và yêu cầu giải tán ETA.
Phản ứng trước thông báo của ETA, Thượng nghị sĩ đảng Xã hội (PS) Pháp đại diện cho xứ Basque, ông Frederique Espagnac cho rằng: "Giải trừ vũ khí là cần thiết để sang trang mới cho cuộc xung đột vũ trang tại xứ Basque, song phải đảm bảo tôn trọng tuyệt đối các quy định của pháp luật." Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido ngày 5/4 khẳng định sẽ không có đàm phán hay nhượng bộ với các thành viên ETA để đổi lấy tiến trình giải trừ vũ khí.
ETA được thành lập năm 1959, thời chế độ độc tài Francisco Franco ở Tây Ban Nha, với mục tiêu thiết lập một nhà nước độc lập xứ Basque tại miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp.
Các vụ bạo lực liên quan tới ETA trong suốt ba thập kỷ đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, ETA đã suy yếu trong những năm gần đây sau khi hàng trăm thành viên của tổ chức này bị bắt giữ. Năm 2011, ETA cũng đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn đơn phương và cam kết giao nộp vũ khí./.