Tổ chức Lễ Thướng tiêu - dựng cây nêu trong Hoàng thành Huế

Theo nghi thức của triều đình nhà Nguyễn xưa, lễ “Thướng tiêu” tức dựng cây nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp để báo hiệu một năm cũ đã qua, ngày Tết đã tới.
Đoàn rước nêu qua cửa Hiển Nhơn. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Sáng 25/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ Thướng tiêu như thường lệ vào ngày 23 tháng Chạp tại Hoàng thành Huế.

Dựng cây nêu ngày Tết Nguyên đán là phong tục truyền thống của người Việt. “Thướng Tiêu” là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều đình nhà Nguyễn.

Theo nghi thức của triều đình nhà Nguyễn xưa, lễ “Thướng tiêu” tức dựng cây nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp để báo hiệu một năm cũ đã qua, ngày Tết đã tới. Cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu.

Theo truyền thống nghi lễ của triều Nguyễn, cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước Điện Thái Hòa và các miếu trong Đại Nội.

Cây nêu dựng trong Đại Nội là một cây tre cao, to, chắc và dài chừng 15m, ngọn còn để nguyên lá. Trên ngọn nêu có buộc bùa đào ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết điển hình là câu “Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân” - Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi.

Dưới triều vua Minh Mạng, triều đình thường chọn một số ấn triện để treo lên ngọn nêu với ý nghĩa triều đình không tiếp nhận văn thư, không đóng dấu nữa, ngày này làm lễ khóa ấn (cất ấn triện) để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Các ấn triện sử dụng trong triều Nguyễn được khắc hình con rồng tượng trưng cho quyền lực của nhà vua.

Theo đúng lệ xưa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng chọn một số ấn triện bỏ vào sọt để treo lên nêu.

Đội ngũ rước nêu trong trang phục áo quan, binh lính triều Nguyễn, cùng với đội nhã nhạc, đội cờ phướn bắt đầu nghi thức từ cửa Hiển Nhơn. Trên đường rước nêu, đội nhã nhạc cung đình Huế sẽ tấu các bản nhạc cung đình xưa. 10 người lính rước vác cây nêu khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đi qua Triệu Tổ Miếu, điện Thái Hòa để đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.

Cây nêu sẽ được các binh lính dựng lên ở Hiển Lâm Các trước Thế Miếu.

Tại Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Trước khi dựng nêu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bày biện một mâm cỗ, gồm lợn, gà, xôi và mâm ngũ quả để cúng. Xưa kia, vật phẩm cúng trong lễ dựng nêu đều do các vị quan trong Bộ Lễ chuẩn bị. Các nghi thức lễ như nghênh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 người lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.

Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết cúng Thần cùng tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu ngày nghỉ Tết đã hết, là lúc triều đình mở ấn và người nông dân xuống đồng cày cấy, làm việc trở lại.

Dựng nêu là một nghi thức truyền thống để báo hiệu ngày tết đã về và kính báo với tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu; đặc biệt việc dựng cây nêu còn có một ý nghĩa hết sức nhân văn của tất cả cư dân Việt Nam, đó là thắp sáng niềm mơ ước về một năm mới có nhiều thắng lợi, hạnh phúc, đó cũng chính là lý do vì sao tục dựng nêu được giữ mãi và trao truyền qua rất nhiều thế hệ hàng nghìn năm nay.

Mỗi năm vào dịp này, ngoài Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng thường được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết.

Năm nay do dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ tổ chức Lễ Thướng Tiêu ở Triệu Tổ Miếu và Thế Miếu.

Lượng du khách chứng kiến buổi lễ cũng ít hơn nhiều so với mọi năm. Để phòng chống dịch bệnh, tất cả người tham dự buổi dựng nêu đều tuân thủ 5K./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục