Tổ chức lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương chính trị đã được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Sáng 26/4, tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904-1/5/2019) đã diễn ra với sự tham dự của các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện dòng họ Trần, thân nhân của đồng chí Trần Phú cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Đức Thọ.

Đồng chí Trần Phú quê gốc ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ và sinh ngày 1/5/1904 tại phủ Tuy An (Phú Yên), nơi cụ thân sinh là Trần Văn Phổ làm giáo thụ.

Đồng chí Trần Phú là tấm gương về ý chí phấn đấu vượt qua gian khổ để vươn lên học tập và rèn luyện. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng toát lên sự gần gũi, cảm thông với những người lao động cùng khổ, ý chí tự lập, tự cường, lòng yêu nước thương dân sâu sắc.

Cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú trực tiếp khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương chính trị đã được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh với câu nói bất hủ trước lúc hy sinh - “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

[Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú tại Phú Yên]

Tấm gương đồng chí Trần Phú là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Thọ Võ Công Hàm khẳng định phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ nhân dân huyện Đức Thọ đã vượt bao khó khăn, giữ vững ý chiến chiến đấu cùng với nhân dân tỉnh toàn tỉnh góp sức người, sức của, làm nên hai cuộc kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, huyện Đức Thọ đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội.

Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Đến năm 2018, bình quân thu nhập đầu người huyện Đức Thọ đạt gần 40 triệu đồng/năm, tăng 2,82 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 4,57%; thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 204 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đức Thọ có 147/147 thôn xây dựng phương án khu dân cư kiểu mẫu, toàn huyện có 1.126 vườn mẫu, trong đó có 395 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu.

Đức Thọ đã có 23/27 xã danh hiệu nông thôn mới và phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2020.

Phát biểu tại buổi kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh noi gương đồng chí Trần Phú, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã lập nhiều chiến công trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, trong đó có sự đóng góp của cán bộ, nhân dân huyện Đức Thọ.

Trong những năm gần đây, kinh tế Hà Tĩnh lấy lại đà tăng trưởng; năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20,8%, thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tổ chức, sắp xếp, sáp nhập và hoạt động có hiệu quả.

Phát huy truyền thống của quê hương đồng chí Trần Phú, huyện Đức Thọ tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đức Thọ chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức giành kết quả toàn diện hơn nữa trên mọi mặt của cuộc sống, xã hội, xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hương, hoa tại khu mộ đồng chí Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục