Tổ chức lễ giỗ lần thứ 93 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp

Lễ giỗ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tổ chức theo các nghi thức cổ truyền như: Lễ cúng tiên thường, chính giỗ và lễ cúng hậu thường.
Đoàn đại biểu dâng hương viếng ngôi mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ngày 20/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ giỗ lần thứ 93 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự lễ gồm có diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp; các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, dòng tộc Nguyễn Sinh; bảo tàng các tỉnh, thành phố và nhân dân thành phố Cao Lãnh.

Lễ giỗ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tổ chức theo các nghi thức cổ truyền như: Lễ cúng tiên thường, chính giỗ và lễ cúng hậu thường. Chính giỗ được tổ chức lễ dâng hương, hoa, phẩm vật; ôn lại những dấu mốc trong cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước, thương dân, người đã sinh thành, giáo dục cho dân tộc Việt Nam một vị lãnh tụ kiệt xuất - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

93 năm đã trôi qua, kể từ ngày cụ Nguyễn Sinh Sắc an nghỉ ở vùng đất Cao Lãnh, ngày 27/10 âm lịch hàng năm đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người dân Đồng Tháp.

[Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc]

Bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm được thay mặt đồng bào cả nước trông coi, trong thời kỳ chiến tranh, người dân Đồng Tháp vẫn quyết tâm giữ gìn, bảo đảm an toàn tuyệt đối mộ cụ. Sau khi thống nhất đất nước, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tập trung tu bổ, chăm lo hương khói trang nghiêm phần mộ, đến nay nơi đây đã trở thành một quần thể di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia với diện tích trên 9 ha.

Tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Nguyễn Sinh Sắc,” với nhiều công trình. Trong đó có cải tạo Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp thành Đền thờ cụ Phó bảng; tái hiện một góc không gian làng Hòa An xưa - nơi nhân dân Hòa An đã chăm sóc cụ lúc cuối đời.

Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế theo nguyên bản ngôi nhà sàn của Bác trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để du khách có thể phần nào hình dung và tìm hiểu về nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội; Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được xây dựng gần bên ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như sự gắn kết tình cha con.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa các nhà tài trợ ủng hộ Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Hàng năm, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc vinh dự đón tiếp nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao, các đoàn lãnh đạo Trung ương và hàng trăm nghìn lượt khách trong, ngoài nước đến viếng, tham quan.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ tiếp tục được hoàn thiện và phát triển hoạt động lưu trú Làng Hòa An xưa; tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình, áp dụng trưng bày công nghệ số, phấn đấu xây dựng Khu Di tích đạt các tiêu chí xứng tầm Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2025.

Tại lễ giỗ, Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tổ chức triển lãm hàng trăm bức ảnh về những thành tựu, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp trong những năm qua.

Cùng với đó là phần tái hiện không gian văn hóa cổ truyền Nam Bộ với trải nghiệm; hoạt động biểu diễn nhạc lễ, thư pháp; không gian văn hóa chợ quê; tổ chức triển lãm tranh chuyên đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,” “Quê hương tôi Đồng Tháp-Đất sen hồng”; “Từ Làng Sen đến Hòa An, Cao Lãnh.”

Du khách, nhân dân trong tỉnh cũng được tham gia Hội thi đá gà, chọi chim nghệ thuật; trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống như đan lục bình, dệt chiếu, đan đát; Liên hoan Đờn ca tài tử, hát dân ca và hò Đồng Tháp; sinh hoạt truyền thống, nói chuyện chuyên đề về “Cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục