Tổ chức Lao động quốc tế thông qua công ước chống quấy rối nơi công sở

Công ước toàn cầu mới, nếu được thông qua, sẽ đòi hỏi các thành viên ILO không chỉ cấm tất cả mọi hình thức quấy rối và bạo lực nơi công sở, mà còn phải tăng cơ chế giám sát và thực thi pháp luật.

Ngày 21/6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua một công ước mới nhằm bảo vệ người lao động trước nạn quấy rối và bạo lực, qua đó lần đầu tiên đặt ra một tiêu chuẩn quốc tế cho vấn đề này.

Công ước toàn cầu mới, nếu được thông qua, sẽ đòi hỏi các quốc gia thành viên của ILO không chỉ cấm tất cả mọi hình thức quấy rối và bạo lực nơi công sở, mà còn phải tăng cường cơ chế giám sát và thực thi pháp luật, cũng như đưa ra các biện pháp phòng ngừa, phương hướng giải quyết và hỗ trợ các nạn nhân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Lao động quốc tế (ILC) diễn ra ngày 10/6 vừa qua ở Geneva, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết công ước này được đưa ra nhằm chống lại tình trạng lạm dụng vốn đi ngược lại những tiêu chuẩn cơ bản về phép lịch sự.

Công ước của ILO về chống quấy rối và bạo lực nơi công sở được thông qua trong bối cảnh phong trào #MeToo nhằm vạch trần và xóa sổ nạn quấy rối tình dục tiếp tục diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.

[Việt Nam tham gia đàm phán Công ước mới của ILO về quấy rối tình dục]

Cùng lúc cũng có nhiều tiếng nói kêu gọi ILO hành động trước những thay đổi trên thế giới trong lĩnh vực việc làm, như sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, toàn cầu hóa kinh tế, biến đổi khí hậu và nhập cư.

Trước đó, năm 2015, ILO đã khởi động tiến trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới chống nạn quấy rối và bạo lực nơi công sở. Tiêu chuẩn này được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị ILO diễn ra hồi tháng 6/2018. Trong vòng thảo luận đầu tiên này, đa số nhất trí rằng cần có một công ước và một khuyến nghị đối với vấn nạn này.

Quấy rối nơi công sở đang ngày càng trở thành vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 30% số quốc gia trên thế giới vẫn chưa có luật cấm quấy rối nơi làm việc, khiến gần 235 triệu lao động nữ đã, đang và có nguy cơ trở thành nạn nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục