Tổ chức kỳ thi quốc gia chung: Cần có quy định cụ thể hơn

Theo ý kiến của nhiều giáo viên ở Hải Phòng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng chung nên có những quy định cụ thể hơn.
Tổ chức kỳ thi quốc gia chung: Cần có quy định cụ thể hơn ảnh 1Các thí sinh tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành được các trường Trung học phổ thông và Đại học tại Hải Phòng tiếp ứng khác nhau.

Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều nhận định, kỳ thi chung sẽ đem đến cơ hội lựa chọn tốt nhất cho học sinh.

Cơ hội cho thí sinh

Đối với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, theo một số hiệu trưởng trường Trung học phổ thông tại Hải Phòng, tác động tích cực đầu tiên của kỳ thi quốc gia là giảm tối đa áp lực cho học sinh.

Trước năm 2013, các em phải thi tới 6 môn nhưng kết quả của kỳ thi không giúp các em đạt nguyện vọng cao hơn là tuyển sinh vào đại học. Năm 2014, kỳ thi xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông giảm xuống 4 môn; trong đó môn Ngữ văn, Toán bắt buộc và 2 môn tự chọn, cộng với điểm trung bình lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có).

Năm 2015, tiếp tục duy trì việc xét công nhận tốt nghiệp như năm 2014, chỉ có điều chỉnh là 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ cùng một môn tự chọn. Những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp sẽ do các sở giáo dục đào tạo chủ trì. Như vậy áp lực của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông như từ năm 2013 trở về trước đã được giảm tối đa.

Điều quan trọng, phương án tổ chức kỳ thi quốc gia Trung học phổ thông lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng đã mở ra cho thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn. Nếu trước đây, các em chỉ được thi 2 khối thi đại học và một kỳ thi cao đẳng thì bây giờ với một kỳ thi 4 ngày, 8 môn thi, thí sinh có cơ hội phát huy tối đa khả năng học tập toàn diện.

Căn cứ kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng xét tuyển tối thiểu đối với từng môn, thí sinh có thể gửi kết quả thi đăng ký vào các trường đại học theo nguyện vọng. Như vậy kỳ thi quốc gia 2015 không chỉ rút ngắn các đợt thi đại học, cao đẳng, tiết kiệm về chi phí cho toàn xã hội mà còn giúp những thí sinh giỏi toàn diện phát huy tối đa khả năng của mình.

Cần thêm những quy định cụ thể

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung nên có những quy định cụ thể hơn. Thứ nhất, cần sử dụng điểm 3 môn thi bắt buộc để làm cơ sở xét tuyển vào các trường đại học bên cạnh việc sử dụng ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Để khuyến khích, tìm được những sinh viên xuất sắc, toàn diện đáp ứng yêu cầu của từng ngành học, các trường đại học có thể áp dụng cách tính điểm xét tuyển đầu vào theo hệ số.

Ví dụ: Đại học Y sẽ tính các môn Toán, Sinh vật hoặc Hóa học hệ số 2, môn Ngữ văn và Ngoại ngữ hệ số 1. Khoa Ngữ văn các trường đại học có thể tính môn Ngữ văn hệ số 2.

Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng đang làm cho thí sinh thi các khối khoa học tự nhiên nghĩ rằng việc tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn như cũ, các môn Ngữ văn và Ngoại ngữ chỉ cần học đối phó để đạt ngưỡng.

Thứ hai, cần có quy chế thi bình đẳng cho các thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông các năm học trước có nguyện vọng dự kỳ thi quốc gia năm 2015 để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thí sinh phải đăng ký 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn (gọi là 4 môn tối thiểu), tại các cụm thi do các trường đại học tổ chức. Kết quả thi này chỉ lấy để làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng và bảo lưu kết quả tốt nghiệp Trung học phổ thông năm trước.

Cũng tương tự, đối với những em thi xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2015 nhưng chưa đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng thì đến năm 2016 nếu có nguyện vọng thì cũng theo cách tương tự. Hồ sơ thi của các em gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố nơi cư trú vào tháng Ba hàng năm.

Thứ ba, cần có cơ chế động viên, khuyến khích đối với các em thi học sinh giỏi quốc gia. Có thể nói, tổ chức một kỳ thi quốc gia nếu làm được như trên sẽ có tác động mạnh mẽ chất lượng dạy và học nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những học sinh tham dự đội tuyển. Kỳ thi quốc gia tổ chức vào tháng Một hàng năm, có kết quả vào đầu tháng Hai hàng năm (cách kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia khoảng 4 tháng).

Nếu không đạt giải ba trở lên, các em gặp rất nhiều khó khăn trong việc ôn luyện 4 môn tối thiểu với thời gian quá ngắn để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên áp dụng trở lại cơ chế động viên học sinh giỏi quốc gia như đã từng có trước đây: học sinh đã vượt qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được chọn vào đội tuyển quốc gia, nếu không đạt giải sẽ được xem xét tuyển thẳng vào ít nhất một trường đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục