Tổ chức Khí tượng Thế giới: Khí hậu đang biến đổi ngày càng nhanh

Kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, Trái Đất đã ấm lên hơn 1,1 độ C, trong đó gần 50% lượng nhiệt ấm lên là tích tụ trong vòng 30 năm qua.
Tổ chức Khí tượng Thế giới: Khí hậu đang biến đổi ngày càng nhanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/11, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố báo cáo quan trọng phản ánh tình trạng ấm lên toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Cụ thể, báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu" thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có đoạn nêu rõ nhiệt độ mỗi năm trong 8 năm trở lại đây (tính cả năm 2022 dựa trên những dự báo hiện có) ấm hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn trước năm 2015.

Trong báo cáo công bố ngay khi đại biểu của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ bắt đầu tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, WMO nhấn mạnh tất cả các hiện tượng gồm nước biển dâng, băng tan, mưa lớn, sóng nhiệt - những thảm họa chết người do biến đổi khí hậu gây ra - đều xuất hiện thường xuyên hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, Trái Đất đã ấm lên hơn 1,1 độ C, trong đó gần 50% lượng nhiệt ấm lên là tích tụ trong vòng 30 năm qua. Theo Giám đốc WMO Petteri Taalas nhiệt độ càng ấm lên thì các tác động càng tồi tệ hơn.

Theo báo cáo của WMO, trên toàn Trái Đất, rất nhiều kỷ lục đã bị phá vỡ khi những phần khác nhau của hệ thống khí hậu bắt đầu sụp đổ. Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính vốn gây ra hiện tượng ấm lên đều đang ở những mức kỷ lục, trong đó khí methane có tốc độ tăng theo năm cao chưa từng thấy, chủ yếu do rò rỉ trong quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên và tiêu thụ thịt bò. 

Nhiệt độ nước bề mặt các đại dương, nơi hấp thụ hơn 90% nhiệt tích tụ từ hoạt động xả khí thải carbon của con người - đã lên các mức cao kỷ lục trong năm 2021 và tốc độ ấm lên đặc biệt nhanh trong 20 năm gần nhất. Số lượng các đợt sóng nhiệt dưới đại dương cũng tăng, tàn phá các rạn san hô và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân sống phụ thuộc vào các đại dương.

[COP27: Đoàn kết giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu]

Theo báo cáo, nhìn chung, 55% bề mặt các đại dương đã trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt trong năm 2022. Trong khi đó, tình trạng băng tan khiến mực nước biển dâng đã cao gấp đôi trong 30 năm qua, đe dọa hàng chục triệu người sinh sống ở những vùng trũng ven biển.

Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử ghi chép kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Trong năm nay, rất nhiều cộng đồng cư dân trên toàn cầu trở thành nạn nhân của các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, từ các đợt sóng nhiệt ở Nam Á đến những mùa mưa thiếu nước ở Đông Phi hay hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất ở Trung Quốc....

Những nước nghèo không gây nhiều khí thải dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu nhất lại đang phải chịu những tác động nặng nề nhất. Dù vậy, kể cả những cộng đồng đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với tình trạng này như ở châu Âu cũng bị các hình thái thời tiết cực đoan tàn phá với hạn hán và sóng nhiệt hoành hành.

Miêu tả báo cáo như "một biên niên sử hỗn loạn về khí hậu," Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng Trái Đất đang phát đi tín hiệu khẩn cấp ngay khi COP27 đang diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục