Chiều 17/8, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
[Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 12.000 ca mắc sốt xuất huyết]
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện Sở Y tế Hà Nội cùng đưa ra nhận định dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng tăng chậm và chững lại trong tuần qua.
12 quận ở mức báo động đỏ
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, 3 tuần liên tiếp vừa qua, số bệnh nhân vẫn ở mức cao, tuần vừa rồi có hơn 3.440 trường hợp mới mắc bệnh, trong khi số ca mắc bệnh mới tuần trước là 3.447 bệnh nhân, tuần qua số bệnh nhân mắc mới giảm 7 bệnh nhân, và dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại.
Tính đến ngày hôm nay,số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã vượt 17.300 ca, 7 trường hợp tử vong.
Tại cuộc họp khẩn chiều nay, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, Tại Hà Nội hiện nay có 12 quận ở mức báo động đỏ về dịch sốt xuất huyết. Tại 12 quận này tập trung tới hơn 92% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của toàn Hà Nội.
Các quận ở mức báo động đỏ gồm: Đống Đa, Hoàng Mai,Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm.
Hiện nay, 5 quận ở Hà Nội dịch sốt xuất huyết ở mức da cam, 13 quận huyện còn lại thấp hơn.
Phân tích về dự báo của dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, ông Hạnh nhấn mạnh, thời tiết mưa - nắng như hiện nay tại Hà Nội dự báo tình hình bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn khó lường. Thời gian tới, Hà Nội phân lại vùng dịch tễ căn cứ vào số trường hợp mắc bệnh, vấn đề phân lập virus, công trường xây dựng…
“Dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ tiếp tục đến cuối năm mới khống chế hoàn toàn. Để dịch sốt xuất huyết hết sạch thì khó, phải đến tháng 11,12 khi trời lạnh thì may ra dịch sốt xuất huyết mới có thể chấm dứt,” Ông Hạnh nhấn mạnh.
Hà Nội đang tập trung vào 2 việc diệt bọ gậy và phun hóa chất tại 12 quận báo động đỏ, tập trung vào 2 vấn đề chính là diệt bọ gậy và phun hóa chất. Bên cạnh đó, hoạt động đội xung kích cần củng cố thêm.
10.000 trường hợp mắc mới/tuần
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp.
Trong khi đó, một tuần trước (tính đến ngày 10/8), số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận là 80.555 trường hợp. Như vậy, chỉ trong 1 tuần qua đã có 10.000 trường hợp mắc mới bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, qua công tác phân tích số liệu cho thấy, chỉ số bệnh nhân nặng ở Hà nội cao hơn nhiều so với miền Trung, Miền Nam, lần lượt là 0,6%, 0,3%, 0,23.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, năm nay những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nguy kịch chủ yếu là ở bệnh nhân đã có bệnh nền (mắc một bệnh nào đó trước đó), trong số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong tình trạng nguy kịch thì tỷ lệ là trẻ em chiếm 10%, người lớn 17% (trong đó 13% là người có bệnh nền).
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện có khoảng 280-300 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Đặc biệt, theo ông Kính, trong 2 ngày hôm nay bệnh nhân ở khu vực Giải Phóng đã giảm dần. Vì là bệnh viện tuyến cuối nên số ca nguy kịch vào viện tại bệnh viện nhiều hơn các bệnh viện khác. Từ sáng nay đến tối đã có 16 trường hợp bệnh nhân sốc do bệnh sốt xuất huyết vào viện.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trên toàn thành phố hiện có 20 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch trong tổng số 2.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần chỉnh đốn ngay hệ thống đánh giá, giám sát côn trùng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là truyền thông đi trước một bước. Tôi hiện nay vẫn chưa thấy video về chỉ ra hai mươi mấy dụng cụ là nơi ẩn nấp, nơi chứa loang quăng."
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để công tác phòng chống dịch được tốt, chúng ta phải đẩy mạnh làm tờ rơi, video tuyên truyền hướng dẫn người dân với khẩu hiệu diệt bọ gậy, các biện pháp xua muỗi để người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng trừ, diệt muỗi, loăng quăng và bọ gậy.”/.