Tổ chức Hàng hải Quốc tế xác nhận vấn đề chủ quyền với kênh đào Panama

Tổng Thư ký IMO khẳng định kênh đào Panama sẽ vẫn thuộc về Panama sau khi ông Trump tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để đưa kênh đào Panama vào tầm kiểm soát của Mỹ.
Tàu hàng di chuyển qua Kênh đào Panama. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ông Arsenio Dominguez ngày 14/1 khẳng định kênh đào Panama sẽ vẫn thuộc về Panama.

Ông Dominguez đưa ra thông điệp như vậy sau khi vào ngày 7/1, ông Trump - người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới, tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để đưa kênh đào Panama vào tầm kiểm soát của Mỹ.

Người đứng đầu IMO cho biết vấn đề này rất rõ ràng và không cần phải tranh luận thêm, vì các hiệp ước đã được ký kết vào năm 1977 quy định kênh đào đã được chuyển giao cho Panama và quốc gia này sẽ tiếp tục quản lý tuyến đường thủy quan trọng này như đã làm.

Kênh đào Panama, tuyến đường thủy nhân tạo nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, từng do Mỹ xây dựng, sở hữu và điều hành. Tuy nhiên, vào những năm 1970, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter, Washington đã đạt được thỏa thuận dần chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào có vai trò quan trọng này cho Panama.

Phía Panama đã lên tiếng trước các phát biểu của ông Trump khi Ngoại trưởng Panama, ông Javier Martinez-Acha, khẳng định chủ quyền của nước này đối với kênh đào là một phần trong lịch sử đấu tranh của dân tộc và không thể thương lượng. Tổng thống Panama, ông Jose Raul Mulino, cũng bác bỏ mọi khả năng đàm phán về quyền kiểm soát kênh đào.

Ngoài ra, ông Trump cũng gây tranh cãi tại châu Âu với những phát biểu tương tự liên quan đến Greenland.

Là hòn đảo lớn nhất thế giới với dân số khoảng 60.000 người, Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953, thời điểm mà người dân nơi đây được cấp quốc tịch Đan Mạch và Greenland trở thành một phần không thể tách rời của Đan Mạch.

Đến năm 1979, Greenland đạt được quyền tự trị, giành được quyền tự quản lớn hơn trong khi vẫn chịu sự quản lý của Đan Mạch trong lĩnh vực quan trọng như chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Đan Mạch, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã lên tiếng phản đối khi ông Trump đề nghị mua Greenland vào năm 2019.

'Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo bà đã có cuộc trao đổi với ông Trump về vấn đề này, đồng thời cho biết đang xem xét nghiêm túc các phát biểu của ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục