Trao đổi với phóng viên về quy định thời gian làm việc trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang gây tranh cãi, ông ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.
Thời gian làm việc cao
Dẫn số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Lê Đình Quảng cho biết Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, cùng với khoảng 40 nước khác, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên).
Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước, nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước.
Đặc biệt, ông Lê Đình Quảng cho biết, về giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế), Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới. Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2.250-2.500 giờ) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Bangladesh.
Trong 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cũng là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (1 nước chưa có dữ liệu là Brunei). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam có số giờ làm việc thực tế cao thứ hai sau Campuchia (3 nước chưa có dữ liệu là Myanmar, Lào, Brunei). Đặc biệt, Trung Quốc là đất nước có tương đồng về chế độ chính trị với Việt Nam nhưng hiện nay số làm việc bình thường là 40 giờ/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày.
[Tổ chức công đoàn đề nghị giảm giờ làm việc, thêm ngày nghỉ lễ]
Về giờ làm thêm, theo ông Lê Đình Quảng, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới nhưng trong thực tế hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm. Đã có bằng chứng cho thấy người lao động phải chịu áp lực tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc để hoàn thành định mức lao động nhưng không được tính lương làm thêm ngoài giờ.
Đã đến lúc giảm giờ làm việc
Kết quả khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy thời giờ làm việc kéo dài đang ảnh hưởng xấy đến cuộc sống của người lao động, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ-chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ.
Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái tạo sức lao động. Từ những lý do đó, mong muốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là không nên đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động lên vai người lao động mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh, việc giảm thời gian làm việc bình thường sẽ tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thích nghi với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
“Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững,” ông Lê Đình Quảng nói.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc đề nghị xem xét giảm giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở./.