Đợt bùng phát thứ 4, dịch COVID-19 đã lan rộng ra hàng chục tỉnh, thành phố với nhiều ổ dịch lớn. "Kẻ thù" số 1 đe dọa sức khỏe của loài người đã tấn công vào các khu công nghiệp, nơi tập trung đông lực lượng lao động ở Việt Nam.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn các cấp cũng đang nỗ lực, "căng mình" chạy đua với thời gian, ngăn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động.
Kiểm soát lây lan bằng mọi giá
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 20/5, Việt Nam có thêm 36 ca mắc COVID-19, trong đó, địa phương có số người dương tính nhiều vẫn là Bắc Giang (13 ca) và Bắc Ninh (5 ca). Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay đã lên tới 1.677 ca trong tổng số hơn 4.500 ca tại Việt Nam.
Con số đó cho thấy, lần bùng phát này, mức độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, số lượng công nhân bị mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp ngày càng tăng khiến Chính phủ và lãnh đạo các địa phương lo lắng, nhanh chóng vào cuộc tìm biện pháp tháo gỡ.
Chỉ tính riêng tỉnh Bắc Giang, đã có hơn 500 ca dương tính, trong đó đến trên 80% trường hợp là công nhân các khu công nghiệp, lớn nhất là hai ổ dịch tại Công ty Shin Young và Công ty Hosiden Việt Nam (mỗi công ty trên dưới 200 lao động bị nhiễm) và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh ước có 300 nghìn người bao gồm công nhân và người liên quan được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm. Hiện địa phương này đã xác định được hơn 6.500 F1 để cách ly tập trung và 30.600 F2 cách ly tại nhà.
[Hỗ trợ công nhân lao động là F0, F1, F2 từ nguồn kinh phí công đoàn]
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chưa được quản lý nghiêm. Nguồn lây nhiễm thứ hai là trong cộng đồng cũng có các trường hợp dương tính, từ đó lây vào bệnh viện và lây tiếp ra cộng đồng.
Thứ ba là chủng virus lần này khác so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn.
Theo Bộ trưởng Y tế, trong tình hình hiện nay, Bắc Giang phải đặt ra phương án chống dịch ở mức độ cao nhất, đánh chặn thật nhanh để kiểm soát tình hình, khoanh vùng chặt, tấn công vào vùng lõi của dịch, ngăn chặn sự lây lan.
Đánh giá tình hình dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp, có thể bùng phát trong nước bất cứ lúc nào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và kêu gọi mọi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì và mất bản lĩnh, dẫn đến xử lý cực đoan, gây xáo trộn trong cộng đồng, xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách theo hướng: ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để phân cấp mạnh hơn, đi đôi với tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực vật chất và con người sẵn có, đồng thời huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ở đâu có người lao động, ở đó có Công đoàn
Vai trò của tổ chức Công đoàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi lực lượng công đoàn viên đang phải đối mặt với hiểm nguy: sức khỏe bị đe dọa, thu nhập giảm sút, tâm lý bất ổn... Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động, những ngày qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã luôn có mặt kịp thời tại các điểm nóng khi dịch bệnh bùng phát.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có trên 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 2,5 triệu lao động; trong đó, hơn 160 nghìn người làm việc tại 9 khu công nghiệp, chế xuất, 60% trong số này là lao động ngoại tỉnh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Liên đoàn đã chỉ đạo 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất khẩn trương thành lập “Tổ an toàn COVID-19.”
Đây là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp. Hiện tại đã có gần 1.000 doanh nghiệp triển khai thực hiện với hơn 3.000 “Tổ an toàn COVID-19” được thành lập và đang hoạt động rất hiệu quả...
Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Liên đoàn Lao động các địa phương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động, căn cứ vào các quy định hiện hành về tài chính công đoàn để thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, kể cả những nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phải có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Công đoàn các cấp nỗ lực, dồn hết sức, chạy đua cùng thời gian rà soát những trường hợp công nhân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch để hỗ trợ kịp thời; đồng thời tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất, không chủ quan lơ là nhưng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước những diễn biến của dịch bệnh; thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Là tỉnh có nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết, 100% Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện 5K tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đối với người lao động phải cách ly, không đến công ty làm việc do quy định của địa phương, các tổ chức Công đoàn cơ sở đã tham gia đàm phán để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm, đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức Công đoàn đã chủ động đề nghị các doanh nghiệp tạo điều kiện để người lao động làm việc luân phiên, bố trí ca kíp hợp lý, đảm bảo giãn cách xã hội nhưng vẫn an toàn; tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc, để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, nhất là từ nay đến ngày bầu cử; hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp F1 đang phải cách ly tập trung và đảm bảo thu nhập cho các trường hợp F2 đang phải cách ly tại nhà để người lao động yên tâm, tự giác khai báo y tế...
Chung tay cùng các địa phương có công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổ chức công đoàn khắp nơi trên cả nước huy động, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn (50 triệu đồng); Công đoàn Viên chức Việt Nam (50 triệu đồng); Công đoàn Điện lực Việt Nam (100 triệu đồng); Công đoàn Dệt may Việt Nam (50.000 khẩu trang y tế)...
Ở cấp Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Mỗi công nhân là F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng, công nhân F1 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 1,5 triệu đồng. Các F2 và công nhân trong khu vực bị phong tỏa cách ly là 500 nghìn đồng.
Đối với 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa trong đợt dịch này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dành 1 tỷ đồng kinh phí công đoàn để hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức (mỗi đơn vị 100 triệu đồng)...
Theo đánh giá của Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, hoạt động tương trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn có ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong thời điểm Tháng Công nhân đang diễn ra trên cả nước.
Điều này đã tạo sự lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích đoàn viên với phương châm: Ở đâu có lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn.
Tiến sỹ Nhạc Phan Linh cho rằng, công nhân phải nghỉ việc do COVID-19 để phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập, sinh kế của người lao động. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo hộ để vừa nâng cao năng suất lao động, vừa đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, nhận thức, thái độ, hành vi cho người lao động, đồng tăng cường kiểm soát nội bộ, bảo vệ người lao động như những tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp./.